Chuyện về người thầy 'giữ cho được văn hóa dân tộc' ở miền núi Tri Tôn

Hồng Nguyên – Nhơn Tiến | 10/01/2023, 06:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Tri Tôn, hơn ai hết, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha hiểu chỉ có con chữ mới có thể khiến đồng bào quê mình khởi sắc.

Phải giữ cho được văn hóa dân tộc

Với mong muốn khơi dậy tình yêu, lòng đam mê và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thầy Kha luôn quan tâm đến việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh. “Nhà trường thường tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, các chùa, làng nghề... của bà con Khmer tại địa phương. Nhà trường còn mời nghệ nhân về trường biểu diễn nhạc ngũ âm, giúp các em có được sự hứng thú tìm hiểu nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình”, thầy Kha chia sẻ.

Không chỉ trong bài giảng, ở mọi lúc mọi nơi khi có điều kiện thầy Kha luôn hướng các em đến những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. “Qua đó giúp các em biết lễ nghĩa, tôn trọng người già, các vị sư và lễ phép với thầy cô. Khi nghe nhạc ngũ âm, mặc trên người trang phục truyền thống, múa các điệu múa của dân tộc mình, các em thêm yêu mến, trân trọng và có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa”, thầy Kha bộc bạch.

Em Neang Ma Ni, học sinh lớp 7A3 Trường THCS Ô Lâm, kể: “Ở trường em được tham gia trải nghiệm hoạt động gói bánh Katum, nghe đàn Champay, thăm mộ nàng Nghés... rất vui. Em rất muốn có thêm nhiều hoạt động như vậy để em và các bạn hiểu thêm về văn hóa, có thể phát huy và giữ gìn”.

Bên cạnh công việc giảng dạy, thầy Kha còn tham gia nhóm biên soạn “Từ điển Khmer - Việt và Việt - Khmer” do Trường Đại học Trà Vinh chủ trì. Thầy đã biên soạn “Bộ sách tiếng Khmer” (quyển 1) cho Bộ GD&ĐT; “Tài liệu tiếng Khmer” dành cho cán bộ, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc Khmer và cán bộ, viên chức trong ngành Giáo dục tỉnh An Giang... Những đóng góp của thầy đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, đồng thời bảo tồn chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.

Theo thầy Chau Mên, Tổ trưởng Hội đồng cốt cán tiếng dân tộc thiểu số tỉnh An Giang, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha là một tấm gương sáng trong cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer, để học sinh dân tộc thiểu số học tập, noi theo. Với vai trò là người thầy, là đàn anh, thầy luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp khó khăn trong công tác và hết lòng thương yêu, giúp đỡ học sinh của mình, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến lớp, hay không đủ tiền để trang trải cho việc học. Thầy thường đi đến tận nhà học sinh tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, để từ đó tìm cách giúp đỡ các em.

Đặc biệt, trong khoảng 2 năm qua, từ khi về công tác tại Trường THCS Ô Lâm, thầy đã có những đóng góp đáng kể cho nhà trường, giúp trường trở thành điểm sáng của huyện. Nhờ sự vận động tiếp sức đến trường của thầy, các em học sinh dân tộc thiểu số vùng Ô Lâm ít bỏ học hơn và nhận được sự tin yêu của phụ huynh học sinh nơi đây.

“Những tài liệu do thầy Kha dịch thuật biên soạn đã hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục dân tộc. Tất cả tư liệu do thầy biên soạn đều là tư liệu quý để đồng nghiệp tham khảo, phục vụ công tác giảng dạy tiếng Khmer cho cán bộ, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang”, thầy Chau Mên cho biết thêm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-ve-nguoi-thay-giu-cho-duoc-van-hoa-dan-toc-o-mien-nui-tri-ton-post620387.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-ve-nguoi-thay-giu-cho-duoc-van-hoa-dan-toc-o-mien-nui-tri-ton-post620387.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về người thầy 'giữ cho được văn hóa dân tộc' ở miền núi Tri Tôn