Cô gái 'cúp Toàn năng' Trường Đại học Bách khoa: 'Không sợ sai' khi học

17/12/2023, 08:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hồ Thảo Nguyên là nữ sinh có điểm học tập cao nhất trong số 11 sinh viên xuất sắc nhận cúp Toàn năng của Trường Đại học Bách khoa...

Với GPA 9,16/10 và IELTS 8.5, Hồ Thảo Nguyên là nữ sinh có điểm học tập cao nhất trong số 11 sinh viên xuất sắc nhận cúp Toàn năng của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.

Cố gắng hiểu điều mình học

Trong đợt tốt nghiệp cuối tháng 11/2023, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trao bằng cho 3.203 tân cử nhân, kỹ sư. Trong đó, 19 sinh viên xếp loại xuất sắc, 693 sinh viên xếp loại giỏi. Trong số này, nhà trường chọn 11 sinh viên nổi bật, có điểm học tập trung bình cao nhất và nhiều kết quả ấn tượng trong nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội... để trao cúp Toàn năng. Hồ Thảo Nguyên, tân cử nhân Kỹ thuật Hóa học nhận cúp Toàn năng với GPA cao nhất là 9,16 điểm.

Thảo Nguyên là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM, xét tuyển vào đại học với thành tích học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học. Nữ sinh cho biết, bản thân không lên kế hoạch đạt loại xuất sắc lúc tốt nghiệp nên không cảm thấy áp lực trong bốn năm học.

“Điều em luôn hướng tới ở mỗi năm học chỉ là cố gắng hiểu những gì mình học. Điểm số sẽ phần nào phản ánh việc có tiếp thu được kiến thức hay không và thông qua đó sẽ điều chỉnh phương pháp học tập của bản thân”, Nguyên chia sẻ.

Hồ Thảo Nguyên đến với Hóa học từ năm lớp 8, khi được chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi của trường. Bài tập Hóa khó, càng khiến Nguyên tò mò, say mê giải bằng được. Trong những năm học THCS, nữ sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Hóa. Bước vào lớp 10 chuyên Hóa tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nữ sinh khá “hoảng” vì kiến thức hóa vô cơ, hữu cơ, hóa phân tích, hóa lý, lượng tử trong chương trình rất khó. Nhưng những thử thách đó càng khiến Nguyên quyết tâm chinh phục. Nguyên không đi học thêm, tập trung nghe giảng trên lớp, đọc thêm sách và tài liệu. Ở ngôi trường chuyên này, nữ sinh đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng môn Hóa học trong Kỳ thi Olympic 30/4 dành cho học sinh lớp 10, 11 ở các tỉnh phía Nam và giải Ba Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT.

Hồ Thảo Nguyên. Ảnh: NVCC
Hồ Thảo Nguyên. Ảnh: NVCC

Say mê nghiên cứu

Bước vào Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, khó khăn lớn nhất của Nguyên là rào cản tâm lý trước mỗi kỳ thi. Nguyên kể: “Em không cần biết là bài thi, kiểm tra đó lớn hay nhỏ, môn đó bao nhiêu tín chỉ, cứ mỗi lần thi có tính điểm em lại rơi vào trạng thái lo lắng. Cho đến bây giờ, em chưa tìm được cách giải quyết triệt để vấn đề này…”.

Trong hai năm đầu ở giảng đường, nữ sinh dành nhiều thời gian cho môn Toán cao cấp, Đại số, Giải tích và hoàn thành các môn đại cương khác. Đến cuối năm thứ hai, Nguyên bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học. Đề tài đầu tiên của Nguyên là nghiên cứu tổng hợp vật liệu zeolite dùng để chế tạo máy cảm biến đo nồng độ oxy trong phòng, thực hiện trong 9 tháng.

Sang năm thứ tư, Nguyên cùng ba người bạn tham gia cuộc thi “Bách khoa Innovation 2023” về nghiên cứu và khởi nghiệp, đoạt giải Ba với dự án làm băng vệ sinh từ sợi chuối. Ý tưởng xuất phát từ mong muốn giảm thiểu lượng phụ phẩm từ cây chuối trong quá trình nghiên cứu về nhựa sinh học.

Nghiên cứu của nhóm cho ra một loại bông hữu cơ thấm hút tốt hơn so với sản phẩm thông thường, đồng thời thân thiện với môi trường. Sản phẩm không chỉ tốt ở chất bông thấm mà còn đảm bảo độ đàn hồi, co giãn, sự thoải mái cho người dùng.

Các ứng dụng thấm hút cũng là hướng đi chính do Nguyên chọn trong hành trình nghiên cứu khoa học. Hiện, Nguyên thử sức trong lĩnh vực vật liệu hữu cơ có nguồn gốc thiên nhiên: Vật liệu hydrogel từ sợi chuối. Đây là loại vật liệu đang thu hút sự chú ý của giới khoa học với tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y sinh.

Trong 4 năm học tại Trường Đại học Bách khoa, Thảo Nguyên còn giành nhiều học bổng khuyến khích học tập ở các học kỳ như Vallet, AmCham, ACWES. Không chỉ chú tâm cho việc học và nghiên cứu khoa học, Nguyên năng nổ với nhiều hoạt động ngoại khoá.

Cô từng tham gia tình nguyện ở ký túc xá trong đợt dịch Covid-19, mùa hè xanh, thi hùng biện tiếng Anh ở Trường Đại học Y Dược TPHCM về chủ đề hôn nhân đồng giới… Nguyên tham gia học khoá “Project Management Professional Training” của Công ty Atoha, các khoá ngắn hạn của Unilever thông qua cuộc thi UFLL 2023, chứng chỉ ngắn hạn của UNICEF; Trường hè Khoa học tại Quy Nhơn.

Khả năng ngoại ngữ của tân kỹ sư cũng đáng nể với chứng chỉ IELTS 8.5. Nói về bí quyết học tiếng Anh, Nguyên chia sẻ, bản thân biến việc sử dụng ngôn ngữ thành một thói quen, ví dụ khi nghe nhạc sẽ cân bằng giữa nhạc Việt và nhạc Mỹ - Anh, đọc sách hay truyện thì sau cuốn tiếng Việt sẽ là cuốn tiếng Anh.

“Em nghĩ điều quan trọng nhất khi học tiếng Anh nói riêng và các ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ nói chung, phải đặt tinh thần “không sợ sai” lên hàng đầu. Không sợ nói, viết sai để có thể sai và học hỏi từ chính lỗi sai của mình. Có như vậy thì khả năng ngoại ngữ của chúng ta mới tốt lên”, Nguyên nói. Vốn tiếng Anh tốt giúp ích cho Nguyên rất nhiều trong việc đọc tài liệu liên quan đến nghiên cứu khoa học và chinh phục các học bổng ngoài nhà trường.

Tân cử nhân hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu, Trường Đại học Bách khoa. Cô dự định học lên cao học ở nước ngoài vào mùa Thu năm sau.

Ngoài Hồ Thảo Nguyên, trong số 11 sinh viên được Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trao tặng cúp Toàn năng, Trương Công Thành (Khoa Điện - Điện tử; GPA 9,12) và Nguyễn Hoàng Trung (Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính; GPA 9,15) là những người có thành tích xuất sắc nhất. Nhà trường cũng tặng thưởng Huy chương Vàng tốt nghiệp cho 43 sinh viên ở các khoa, ngành.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô gái 'cúp Toàn năng' Trường Đại học Bách khoa: 'Không sợ sai' khi học