Đến năm 2 tuổi, khả năng ngôn ngữ của Jiang tương đương với bạn bè đồng trang lứa. Cô bé có thể phát âm trôi chảy từ “bố”, “mẹ” bằng tiếng Quan Thoại (tiếng phổ thông tại Trung Quốc) và phương ngữ Yizhang. Đến 7 tuổi, Jiang có thể đọc được khẩu hình của người đối diện nên gia đình đăng ký cho em vào một trường tiểu học công lập địa phương.
Nỗ lực mang âm thanh về với cuộc sống
Tuy nhiên, trường học không giống như ở nhà. Nếu tự luyện tại nhà, bố mẹ thường ngồi đối diện với Jiang để cô bé đọc khẩu hình. Nhưng trên lớp, giáo viên sẽ quay lưng với học sinh để viết bảng hoặc đi vòng quanh lớp. Do vậy, Jiang khó nắm bắt lời nói của thầy cô.
Cha mẹ Jiang đã nghĩ ra một cách là dạy trước kiến thức cho con gái. Trong trí nhớ của Jiang, hầu như không có kỳ nghỉ hay cuối tuần. Cô bé dành toàn bộ thời gian để học tập nhưng cảm thấy rất vui vẻ vì được ở bên gia đình. Trên lớp, cô bé luôn ngồi bàn đầu để quan sát khẩu hình của giáo viên. Nhờ chăm chỉ và kiên trì, điểm số của Jiang luôn thuộc tốp đầu của lớp.
Lớn lên, Jiang bắt đầu nhận ra mình khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa và khác biệt này gây ra nhiều trở ngại. Cô không thể giao tiếp thoải mái với mọi người. Trong nhóm, bạn bè thường xa lánh Jiang vì cô tương tác kém. Mỗi lần cảm thấy cuộc sống thật bất công, cô bé càng tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Năm 12 tuổi, Jiang quyết định đăng ký vào trường trung học nội trú trong thành phố vì chất lượng đào tạo của trường thuộc hàng đầu tại địa phương dù phải rời xa vòng tay cha mẹ. Khi sống trong ký túc xá trường trung học, cô đặt đồng hồ báo thức trên điện thoại di động vào mỗi tối và giữ chặt thiết bị này suốt đêm để cảm nhận độ rung khi chuông reo.
Nhờ những nỗ lực không mỏi mệt, năm 2011, Jiang trúng tuyển ngành Dược tại Trường Đại học Cát Lâm. Ban đầu, cô muốn học ngành Y nhưng phải từ bỏ vì khiếm thính nên chọn học dược và lấy bằng thạc sĩ. Năm 2018, cô được nhận vào làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học tốt nhất của Trung Quốc.
Trước khi đến Thanh Hoa, Jiang đã cấy ghép ốc tai điện tử vào tai phải. Điều này giúp cô lấy lại một phần thính giác dù cuộc phẫu thuật tương đối nguy hiểm. Cũng nhờ vậy, cô có thể giao tiếp tốt hơn với mọi người và khai thác sâu hơn tiềm năng của bản thân. Dự kiến, Jiang sẽ tốt nghiệp Thanh Hoa vào mùa hè này.
Trong tương lai, nữ nghiên cứu sinh hy vọng có thể vận dụng những kiến thức đã được học để an ủi và cứu chữa mọi người khỏi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngoài học tập, Jiang cũng dành nhiều thời gian bên bạn bè, gia đình để tận hưởng cuộc sống.
“Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc nghe thấy tiếng chim hót trong khuôn viên Thanh Hoa sau khi cấy ốc tai. Đó là thanh âm tuyệt đẹp, trong trẻo y hệt những gì tôi tưởng tượng trong những năm qua”, Jiang xúc động bày tỏ.