Cô giáo 8X khởi nghiệp thành công với nghề làm lạp xưởng

Huỳnh Kha | 16/04/2023, 15:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từng phải bỏ nghề vì áp lực kinh tế, cô giáo Bùi Thị Đoan Phượng nay đã có thể vừa đảm đương kinh tế gia đình, vừa sống với ước mơ 'gieo chữ'.

Sinh ra và lớn lên tại xã Long Nguyên (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) - địa phương thuần nông nghiệp với phần lớn diện tích trồng cây cao su và cây ăn quả, những năm qua, cuộc sống của cô Bùi Thị Đoan Phượng (sinh năm 1984) cũng như phần lớn chị em phụ nữ trên địa bàn gặp không ít khó khăn.

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo 8x hiện đang giảng dạy tại Trường mầm non Sao Mai (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) bộc bạch: “Dạy học là ước mơ thuở nhỏ của mình. Ngày trước, mình thường tụ tập các em nhỏ trong xóm lại để dạy hát, dạy múa, dạy chữ,…”

Tốt nghiệp ra trường vào năm 2006, cô Phượng theo dạy đến năm 2017 thì quyết định bỏ nghề để tập trung làm kinh tế.

“Thật lòng mà nói thì nghề giáo khó khăn quá. Con mình cứ lớn lên từng ngày trong khi cuộc sống quá nhiều nỗi lo, nhất là thu nhập lại thiếu ổn định. Rời bỏ phấn trắng bảng đen, cứ mỗi lần nhìn thấy đồng nghiệp cũ đăng ảnh 20/11 hoặc vui vẻ bên học trò, mình lại khóc nhớ gương mặt các bé học sinh và nhớ con da diết.” - Cô Phượng nghĩ lại.

Để trang trải thu nhập và có tiền lo cho con cái, cô Phượng phải trăn trở kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Tuy nhiên, càng đau đáu trước mối lo cơm áo gạo tiền, cô càng nhận ra cuộc sống khó khăn thật nhưng niềm vui, hạnh phúc, động lực làm việc mỗi ngày còn quý giá hơn cả.

Nhờ sự động viên của chồng và đồng nghiệp, cô Phượng lại một lần nữa tiếp tục với nghề, quay lại hành trình của một người lái đò. Mặc dù công việc “gieo chữ” chiếm phần lớn thời gian trong ngày nhưng cô giáo mầm non vẫn tìm cách kiếm thêm thu nhập, chăm lo cho gia đình với nghề sản xuất, kinh doanh lạp xưởng thịt tươi.

Xã Long Nguyên trước kia chưa từng có cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi. Để mua dùng trong các dịp đặc biệt, người dân địa phương phải tìm mua mặt hàng này từ các tỉnh thành khác.

Nhận thấy điều này tương đối bất tiện, cô Phượng đã tự tìm tòi, nghiên cứu chế biến nên món lạp xưởng thơm ngon với nguồn nguyên liệu từ các trang trại chăn nuôi đạt chuẩn của địa phương, đồng thời, thành lập Hộ kinh doanh Bùi Phong Sơn (Phượng).

Cô giáo 8X khởi nghiệp thành công với nghề làm lạp xưởng ảnh 1

Lạp xưởng tươi cô giáo Phượng nhận được nhiều sự yêu thích, lựa chọn của cả khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Từ khi mở rộng sản xuất, không chỉ bà con địa phương dùng lạp xưởng cô giáo Phượng mà ngày càng nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh tìm đến, chọn mua sản phẩm để tặng cho bạn bè, người thân, đối tác.

Hoạt động kinh doanh giúp cô giáo trẻ ngày càng cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ban đầu, doanh thu hộ kinh doanh chỉ vỏn vẹn 100kg/năm, đến nay con số này đã lên đến hàng chục tấn.

Điều khiến cô giáo trẻ vui mừng nhất chính là vừa có thể lo được cho kinh tế gia đình vừa tiếp tục sống với ước mơ cống hiến cho ngành giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo 8X khởi nghiệp thành công với nghề làm lạp xưởng