Mỗi bài học cố gắng liên hệ với những công việc hàng ngày trong gia đình, bản làng và quê hương để giúp họ dễ tiếp thu bài hơn.
“Sau một thời gian tham gia lớp xoá mù, nhiều học viên đã biết đọc, viết và gửi tin nhắn trong điện thoại cho người thân đặc biệt là con cái đi học xa. Nhiều người đã không cầm nén được xúc động với niềm vui đơn giản đó”, cô Vừ Thị Pa, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông chia sẻ.
Theo chia sẻ của cô Pa, khó khăn lớn nhất mà cô phải đối mặt trong quá trình giảng dạy lớp xoá mù chữ chính là nhiều học viên cao tuổi; học viên đang trong độ tuổi lao động hay là lao động chính trong gia đình nên họ ngại khi tham gia lớp học.
“Có những lần, tôi đến nhà vận động học viên đi học nhưng chờ mãi đến tối họ mới đi làm về để phân tích, động viên họ đến lớp. Hay, một số học viên họ bận quá tôi lại phải tận dụng ngày nghỉ của mình đến nhà dạy lại bài trong buổi học mà họ không thể tham gia.
Nhiều học viên không có ai trông con, phải bế theo đến lớp tôi lại vừa dạy học vừa trông con cho học viên để họ chú tâm tập đọc, tập viết. Mặc dù khó khăn nhưng đối với tôi ấm áp vô cùng. Ít nhất, mình đã hỗ trợ được một phần nào đó để học viên có được con chữ”, cô Pa chia sẻ.
Cũng chính sự chân thành đó, học viên của cô Pa đến lớp đầy đủ hơn, lớp học luôn sáng đèn mỗi tối. Tiếng cô trò cùng nhau đọc bài vàng cả đại ngàn.
Ông Mai Xuân Hà, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông cho biết” “Cô Pa là một trong những cô giáo nhiệt tình, tận tâm và đặc biệt quan tâm đến học viên. Nhờ vậy, mỗi tiết học của cô trò luôn sôi nổi, học viên rất yêu quý cô Pa. Không những vậy, cô Pa là người sống ở địa bàn xã vì vậy rất hiểu văn hoá, phong tục của người dân nơi đây”.