Cô giáo miền xuôi đưa theo người thân ngược ngàn dạy học

05/10/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để theo nghề “gõ đầu trẻ”, nhiều cô giáo từ miền xuôi phải đưa con nhỏ ngược ngàn vùng biên xa xôi Thanh Hóa.

Thậm chí, có cô phải đưa cả bà nội hoặc bà ngoại cùng lên trường chăm cháu mới có thể yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người.

Theo mẹ lên... rừng

Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) có nhiều giáo viên là người miền xuôi lên dạy học. Xã Trung Sơn là địa phương xa nhất của huyện Quan Hóa (giáp với xã Mường Lý của huyện Mường Lát). Do có nhiều thầy, cô ở dưới miền xuôi lên dạy học, xa gia đình nên nhà trường bố trí phòng công vụ cho giáo viên có nơi ăn chốn ở, yên tâm công tác.

Lên thăm trường, chúng tôi thấy thầy cô giáo chơi đùa với một bé gái nhỏ chừng 1 tuổi, sau được biết đó là con gái của cô giáo Nguyễn Thị Tố Uyên, dạy ở Trường THCS Trung Sơn. Do gia đình cô ở tận huyện ven biển Hậu Lộc (Thanh Hóa), xa nơi công tác nên cô phải đưa con gái theo cùng.

“Mỗi khi mẹ lên lớp, cháu được các bác trong trường trông nom. Thương nhất là những lần bố về thăm hai mẹ con, anh ấy phải đi mấy trăm km đường, đổi nhiều chặng xe từ Hải Phòng lên Hà Nội, từ Hà Nội đi Hòa Bình, rồi đón xe từ Hòa Bình đi tiếp mới về được đây. Sau đó, cả gia đình lại đón xe từ đây về TP Thanh Hóa, rồi tiếp tục từ TP Thanh Hóa về nhà ở huyện Hậu Lộc. Cũng may là, khi lên đây, hai mẹ con được thầy hiệu trưởng và các bác rất quan tâm, tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở thật tươm tất”, cô Uyên bùi ngùi tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Uyên cho hay, cô được biên chế vào ngành Giáo dục năm 2022. Khi lên nhận công tác ở ngôi trường này con gái cô mới được 5 tháng tuổi. Thế là cô phải đưa cả con và mẹ đẻ lên trường sống cùng trong nhà công vụ để bà ngoại giúp trông cháu. Chồng cô là bộ đội, công tác ở Hải Phòng nên vợ chồng, con cái đành phải sống xa nhau. Dù biết là rất vất vả, nhưng cũng không còn cách nào hơn. Bà ngoại lên trông cháu giúp thời gian đầu, khi cháu cứng cáp hơn bà mới về quê.

Giống như cô Tố Uyên, ở Trường THCS Trung Sơn có cô giáo Lê Thị Phương (dạy tiếng Anh) nhà ở xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (cách trường gần 170 km). Cô Phương công tác ở Trường THCS Trung Sơn đã được 4 năm. Chồng cô Phương trước kia làm việc ở UBND xã, nhưng vì đồng lương quá ít ỏi khó mà chăm lo cho gia đình nên đã xin nghỉ việc đi xuất khẩu lao động.

Từ khi chồng đi nước ngoài kiếm sống, một mình nuôi con nhỏ với nhiều khó khăn, trong một thời gian dài cô Phương phải nhờ bà nội, bà ngoại luân phiên cùng lên trường trông cháu cho cô lên lớp. Vợ chồng cô Lê Thị Phương có hai con nhỏ. Bé lớn năm nay 4 tuổi, bé út mới 2,5 tuổi, việc tổ chức cuộc sống trên trường không thuận lợi nên cô Phương đành gửi hai con về quê sống cùng ông, bà nội ngoại.

“Do con gái đang nhỏ, cháu mới đi học mẫu giáo, nên cuối mỗi tuần, tôi lại đón xe khách về với con. Sáng thứ Bảy đón xe về sớm rồi chiều Chủ nhật lại vội vã lên trường. Những ngày phải công tác xa nhà, tôi chỉ cầu mong các con nhanh cứng cáp, đừng ốm đau và ông bà nội, ngoại đều bình an, khỏe mạnh để hỗ trợ, giúp đỡ cho mình”, cô Phương bộc bạch.

Thầy Văn (bên phải) – Hiệu trưởng Trường THCS Trung Sơn đón nhận quạt trần do Báo GD&TĐ trao tặng. ảnh 1

Thầy Văn (bên phải) – Hiệu trưởng Trường THCS Trung Sơn đón nhận quạt trần do Báo GD&TĐ trao tặng.

Cảm thông và chia sẻ

Thầy Trương Đức Văn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, “Do nhu cầu thực tế và điều kiện phát triển giáo dục ở khu vực nên trong ngôi trường không thể chỉ có giáo viên người địa phương về công tác. Chúng tôi thông cảm với giáo viên nữ từ miền xuôi lên đây, họ phải gửi con cho ông, bà nội, ngoại ở quê chăm sóc, nuôi dạy. Những cháu còn bé quá, không thể tách rời mẹ thì các cô giáo phải cõng con đi lên núi theo mình”.

Theo thầy Văn, Trường THCS Trung Sơn hiện có 5 cô giáo xa gia đình, gồm: Cô Hồ Kim Tuyến; Lê Hoài Phương (huyện Bá Thước); cô Lê Thị Phương; Trịnh Hà Mi (Triệu Sơn) và cô Nguyễn Thị Tố Uyên (huyện Hậu Lộc). “Những cô giáo miền xuôi lên công tác mà chồng có việc làm trên này thì nhà trường bố trí phòng riêng. Hoặc, có cô giáo nuôi con nhỏ, phải đưa bà ngoại hay bà nội lên trông con giúp, nhà trường cũng bố trí cho mẹ con, bà cháu được ở riêng một phòng công vụ. Nhà trường tạo điều kiện hết sức có thể để giúp các cô yên tâm công tác”, thầy Văn chia sẻ.

“Cô Tố Uyên mới có con gái đầu lòng được 1 tuổi, trong khi chồng cô lại công tác ở tận Hải Phòng. Vì vậy, đầu năm học này, khi trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, cô Tố Uyên phải đưa cả con gái lên đây ở cùng. Biết rõ hoàn cảnh của từng đồng nghiệp nên các thầy, cô giáo trong trường xúm vào cùng nhau chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ những lúc khó khăn. Điều đáng mừng là cháu bé rất ngoan và dễ quen với các cô, bác trong trường nên mỗi khi mẹ lên lớp, cháu vẫn vui đùa, ngủ ngon trong vòng tay chăm sóc của mọi người”, thầy Văn tâm sự.

Ở những huyện vùng cao, biên giới xa xôi của tỉnh Thanh Hóa, hiện đang có hàng trăm nữ giáo viên là người miền xuôi lên công tác. Dù đang phải đưa cả con nhỏ lên rừng sống cùng mình để tiện bề chăm sóc, dù còn nhiều khó khăn, vất vả và thiếu thốn nhưng họ vẫn từng ngày cố gắng vượt qua vì lòng yêu nghề, yêu trẻ.

Điều đáng quý là những nữ giáo viên xa nhà như cô Uyên, cô Phương... đều đang nhận được sự sẻ chia, quan tâm, cảm thông của các đồng nghiệp. Những thầy cô giáo trong trường luôn tự ý thức được rằng, cùng cảnh xa nhà, để hoàn thành tốt công việc dạy chữ rèn người, họ phải đùm bọc và coi nhau như người thân, để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

“Một điều khá may mắn đối với các giáo viên của trường khi xa nhà, đó là nhà trường được cấp trên quan tâm xây dựng dãy nhà công vụ rất khang trang. Bên cạnh đó, địa điểm của trường nằm ở bản Pạo, là bản đặc biệt khó khăn của xã, nên giáo viên được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Do đó, đồng lương và phụ cấp cũng chưa bị tụt đi như những nơi khác. Đó là điều mà các thầy, cô giáo ở trường đang cảm thấy hạnh phúc hơn so với nhiều nơi đã bị điều chỉnh ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn”, thầy Văn cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo miền xuôi đưa theo người thân ngược ngàn dạy học