Gương sáng

Cô giáo trẻ vùng cao dạy học trò phân biệt giữa văn hóa và hủ tục

19/07/2025 17:38

Tám năm dạy học ở xã Nam Trà My, cô Trần Thị Hạnh Nguyên giúp học trò gìn giữ văn hóa dân tộc và đẩy lùi hủ tục qua những tiết Sinh học.

Học sinh là động lực lớn nhất

“Lúc mới lên xã Nam Trà My, tôi thấy lạ lẫm lắm”, cô Trần Thị Hạnh Nguyên, giáo viên Sinh học Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My (xã Nam Trà My, TP Đà Nẵng) bắt đầu câu chuyện với những cảm xúc nguyên vẹn.

Sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, cô giáo trẻ chưa từng hình dung cuộc sống vùng cao lại khác biệt đến vậy. “Khi mới lên tôi nghĩ điều kiện rất khó khăn. Nhưng tôi nhận ra mọi thứ cơ bản đều được đảm bảo. Ở đây có tình cảm đồng nghiệp, tình cảm học trò dành cho tôi thân thương lắm”, cô Nguyên nói.

Những bỡ ngỡ chỉ kéo dài vài tháng đầu, sau khi tiếp xúc với học sinh, hoà mình vào các tiết dạy Sinh học đã giúp cô dần hiểu học trò nơi đây. “Các em lớp 9 khi mới xuống học nội trú còn rụt rè, nhưng môn Sinh lại khá gần gũi, gắn liền thiên nhiên và đời sống nên các em tiếp thu không quá khó”.

nguyen-2.jpg
Cô Nguyên (thứ 5 từ trái sang) cùng học trò.

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất với cô không phải trong bài giảng mà là giao tiếp hàng ngày. Học sinh nói chuyện với tôi thì dùng tiếng phổ thông nhưng khi trao đổi với nhau các bạn lại dùng tiếng Ca Dong.

Để kéo gần khoảng cách với học sinh cô Nguyên đã trở thành “học trò” học tiếng Ca Dong từ chính học trò của mình. “Mình muốn hiểu các bạn hơn, muốn góp phần giữ tiếng nói của các bạn. Học sinh cũng tự hào khi lan tỏa được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình đến cô giáo.

"Tiếng Ca Dong chưa có chữ viết nên việc học bài bản rất khó, tôi chỉ có thể học qua giao tiếp hằng ngày với học sinh, nghe các em nói rồi tập nói lại. Dần dần, cô trò có thể trò chuyện với nhau bằng cả tiếng Ca Dong lẫn tiếng phổ thông. Nhờ đó, tôi cũng học thêm được một ngôn ngữ mới”, cô giáo dạy Sinh chia sẻ.

Vào những dịp lễ hội truyền thống, cô giáo trẻ cũng khoác lên mình trang phục dân tộc. Mỗi lần mặc cô thấy lòng rộn ràng, xen lẫn niềm tự hào. “Khi tham gia các ngày hội văn hóa tôi cũng học hỏi được nhiều kiến thức về chính nơi mà mình đang giảng dạy. Những điều đó giúp bài giảng của tôi sát thực tế hơn, các em thấy kiến thức không xa rời cuộc sống.” - cô nói.

Cô giáo trẻ chia sẻ điều tâm đắc: “Quan trọng nhất là tôi hiểu rõ được vai trò của giáo dục đối với thế hệ trẻ ở Nam Trà My. Tôi thương các em, muốn đem đến cho các em kiến thức nên tôi luôn cố gắng. Bản thân tôi chỉ mong được góp sức để văn hóa sẽ được lưu truyền mãi, và những hủ tục sẽ dần được loại bỏ.”

Giữ văn hóa, bài trừ hủ tục

Trong mỗi tiết học, cô Nguyên không chỉ dạy Sinh học mà còn cùng học trò khám phá những nét văn hóa - cách mà người miền núi bao đời nay đã sống chan hòa với đất trời, gắn bó với núi rừng. Nhờ đó, các em dần nhận ra sức sống bền bỉ của văn hóa mình, tuy mộc mạc mà kiên cường, đầy bản sắc riêng.

Bên cạnh đó cô Nguyên lồng ghép thêm những nội dung thiết thực như tảo hôn, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, môi trường sống. Đó là những vấn đề sát sườn với cuộc sống miền núi.

nguyen-3.jpg

Với cô giáo trẻ, dạy Sinh học chính là cách giúp học trò biết đẩy lùi những hủ tục phản khoa học vẫn còn tồn tại nơi núi rừng, nhận diện đâu là văn hóa tốt đẹp. Để từ đó các em phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa, bài trừ hủ tục của dân tộc mình.

“Xã Nam Trà My là vùng đất mà tiếng nói vẫn chưa có hình hài chữ viết, nơi văn hóa chưa được sách vở ghi chép đầy đủ. Các em học sinh chính là hiện thân đầy sức sống của tiếng nói, của văn hóa dân tộc mình. Thế nên mỗi em phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị đó.

Dù vậy, các em không được đánh đồng giữa hủ tục và những giá trị văn hóa khác. Để làm được điều đó các em cần có kiến thức về khoa học, hiểu rằng thế giới ngoài kia đang đổi thay có nhiều tiến bộ mới. Đó cũng chính là vai trò của bộ môn Sinh học và là mục tiêu mà tôi luôn hướng tới trong mỗi tiết dạy”, cô Nguyên khẳng định.

Cô giáo trẻ không ngại nghiên cứu, tìm hiểu thêm kiến thức thực tiễn để đưa vào bài giảng. Những tiết Sinh học của cô không chỉ gói gọn trong sách vở, mà còn gắn liền với đời sống và văn hóa bản địa, để học trò cảm nhận môn học gần gũi và hữu ích hơn.

Điều cô giáo trẻ lo lắng nhất chính là tương lai của học sinh. Nhiều em còn rất mông lung, không biết nên học đại học, học nghề hay đi làm. “Các em vùng cao còn ít cơ hội tiếp cận thông tin về các trường đại học. Với những thông tin tôi có được, tôi luôn sẵn sàng định hướng, chia sẻ để các em mạnh dạn hơn trong lựa chọn tương lai.” - cô cho biết.

Khi được hỏi về mong ước lớn nhất, cô Nguyên chỉ cười hiền: “Tôi chỉ mong các em vừa hiểu được văn hóa của dân tộc mình, vừa tiếp cận được những kiến thức khoa học đời sống. Sau này, các em sẽ mang những điều đã học về xây dựng bản làng ngày càng tốt đẹp hơn.”

Ông Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT Nam Trà My nhận xét: “Cô Nguyên có chuyên môn vững, nhiệt tâm với nghề. Trong công tác giảng dạy cô luôn có sự sáng tạo, bám sát thực tiễn. Bên cạnh đó, cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các vai trò khác. Nhiều năm liền, cô Nguyên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.”

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/co-giao-tre-vung-cao-day-hoc-tro-phan-biet-giua-van-hoa-va-hu-tuc-post740478.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/co-giao-tre-vung-cao-day-hoc-tro-phan-biet-giua-van-hoa-va-hu-tuc-post740478.html
Bài liên quan
Cô giáo người Giáy bám bản chỉ mong học trò đủ no, đủ ấm đến trường
Hơn mười năm gắn bó với trường vùng cao, cô giáo Lý Thị Diêm luôn mong truyền được giá trị con chữ giúp những đứa trẻ người Mông, Dao thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo trẻ vùng cao dạy học trò phân biệt giữa văn hóa và hủ tục