Những bông hoa tươi thắm cô Vân nhận được từ học trò. |
Ở huyện biên giới việc học tiếng Việt của trẻ người địa phương đã khó nên khi dạy tiếng Anh cho học sinh lại càng vất vả hơn. Có những kiến thức cô Vân dạy hôm trước đến ngày sau nhắc lại lũ trẻ đã quên. Nghĩ rằng không thể dạy trò theo cách thông thường, cô Vân nghĩ đủ trò để các em vừa học, vừa chơi.
“Học sinh nơi đây các em còn nhút nhát, ngại giao tiếp nên giáo viên luôn nhẹ nhàng, nghĩ đủ cách để giúp trò tiếp thu. Dù hơi khó khăn hơn vùng thuận lợi nhưng chỉ cần kiên trì, cố gắng thì mọi việc cũng tốt lên”, cô Vân bộc bạch.
Bên cạnh dạy chữ, những khi rảnh rỗi hay học sinh quên đến lớp cô Vân cùng giáo viên trong trường đến từng nóc nhà vận động, đưa các em ra lớp. Để các em thích thú khi đến trường cô Vân trích tiền lương mua mắm, muối hay bánh kẹo tặng trò. Sĩ số học sinh đến trường cũng dần tăng lên.
Dù khó khăn, vất vả nhưng cô Vân vẫn thấy vui, hạnh phúc vì tình cảm học trò dành cho mình. Dịp lễ 8/3 hay 20/11 những bông hoa dại, trái me, hoặc con cá suối… được học sinh mang đến, ngại ngùng dúi vào tay cô.
“Món quà tuy dân dã, nhỏ bé nhưng chứa đựng tình cảm dạt dào của trò vùng khó. Tôi rất trân trọng tình cảm ấy và hạnh phúc vì lũ trẻ đã nhớ đến những người dạy chữ. Đó là những kỉ niệm đẹp mà nhiều năm sau tôi cũng chẳng thể quên”, cô Vân tâm sự.
Thầy Quách Văn Vương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều giáo viên đang công tác tại trường nhà khá xa. Do đó thầy, cô phải ở lại đến cuối tuần hoặc vài tháng mới về thăm gia đình. Cô Vân cũng là một trong những giáo viên giảng dạy xa nhà, đường đi lại khó khăn nhưng rất tâm huyết và hết lòng vì học sinh. Thấu hiểu sự vất vả của giáo viên nên Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm, chia sẻ để thầy, cô gắn bó lâu dài dạy chữ cho trò vùng biên.