Gánh nặng chi phí học hành trong gia đình cần được con trẻ san sẻ bằng cách sử dụng tiền mừng tuổi để mua sắm trang thiết bị học tập còn thiếu, đóng học phí cho khóa học ngoại ngữ hoặc năng khiếu. Con sẽ tự cân nhắc xem có nên mua món đồ đó hay không, vì điều đó đồng nghĩa với việc con sẽ phải rút một phần tiền trong “quỹ tiết kiệm” của mình ra. Nhờ thế, con sẽ ý thức hơn về việc không chi tiêu hoang phí.
Ảnh minh họa ITN. |
Đối với con gái nhỏ chưa đủ 15 tuổi, toàn bộ số tiền con có được đều được con gái lớn giữ hộ, ghi lại chi tiết số tiền của em và gửi vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm online riêng. Tôi trao quyền cho con gái lớn quản lý toàn bộ tiền của em gái. Con sẽ có trách nhiệm báo cáo định kỳ số tiền con giữ của em trong ngân hàng và số tiền của con hiện có với mẹ. Nhiều phụ huynh không tin con, sợ con tiêu hoang phí hết số tiền lì xì nên hay thu lại tiền của con. Còn tôi dạy con từ lớp 1 về cách quản lý tiền nên tôi hoàn toàn yên tâm và trao quyền cho con sử dụng tiền của chính con từ nhỏ.
Tôi thấy rằng, việc cho con đủ 15 tuổi trở lên mở tài khoản và sổ tiết kiệm trong ngân hàng là rất cần thiết, bởi nhờ thế con trải nghiệm những giá trị sau: Trải nghiệm ý nghĩa của sự tích trữ, tiết kiệm; hiểu về khái niệm “ngân hàng”. Khi cùng con đi gửi tiền tiết kiệm, bạn cho con hiểu rằng gửi tiết kiệm ngân hàng là một hình thức đầu tư ít rủi ro và các hình thức gửi tiền khác nhau có thể nhận được những lợi ích khác nhau.
Thông qua đó, con hiểu rằng tiền không chỉ được dùng để chi tiêu, mà còn được đầu tư để gia tăng giá trị; con biết cách san sẻ, yêu thương: Tôi khuyến khích con sử dụng một phần tiền mừng tuổi để làm thiện nguyện khi nhà trường có chương trình. Việc làm này giúp các con hiểu rằng tiền không chỉ là công cụ, nó không chỉ đáp ứng một nhu cầu cuộc sống của con người, mà còn có thể mang lại hạnh phúc cho những người khác, thông qua việc cho đi.
Hoặc khi tôi nói đùa rằng: Mẹ sắp hết tiền, con gái lại đề nghị con rút hết tiết kiệm đưa cho mẹ tiêu. Con gái nhỏ chỉ có hơn 10 triệu đồng trong sổ tiết kiệm nhưng liên tục nịnh mẹ lấy tiền tiết kiệm của con để nộp học cho con. Mẹ không chịu thì con còn dỗi mẹ. Con tôi luôn hào hứng khi được đóng tiền ủng hộ những người khó khăn hơn mình, bằng chính tiền con có hoặc luôn muốn giúp đỡ mẹ bằng số tiền của con.
Ngoài ra, dạy con cách quản lý tiền bạc cũng chính là dạy con đối mặt với sự thay đổi của cuộc sống. Khi con làm chủ đồng tiền chúng có, chúng cũng sẽ dễ dàng làm chủ cuộc sống của chính mình. Bài học về tính tiết kiệm và thói quen tích lũy cho tương lai cần được bố mẹ vun bồi trong nếp sinh hoạt của con trẻ. Việc sử dụng tiền lì xì là một cơ hội để các con thực hành bài học đó.
Cách sử dụng tiền lì xì này cũng sẽ giúp con hình thành khái niệm: Không nên phung phí tiền bạc mà hãy phát triển thói quen tiết kiệm. Phần tiền này có thể trở thành tiền đóng học phí khi con đi học đại học hoặc có thể trở thành quỹ khẩn cấp cho một số trường hợp nhất định. Tóm lại, phần tiết kiệm này là sự tự tin tài chính cơ bản của bạn dành cho con.
Để con ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với việc học của chính mình, bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện cùng con, thẳng thắn trao đổi với con về việc sử dụng tiền mừng tuổi để gửi tiết kiệm trong ngân hàng, chỉ rút ra khi muốn chi cho việc học và lắng nghe ý kiến của con. Khi con đồng ý với kế hoạch, lẽ tất nhiên con sẽ cảm thấy tự hào và nỗ lực hoàn thành việc học hơn. Dần dà, bài học về tính tự lập sẽ được khơi lên trong nếp sống của con trẻ. Thay vì giữ tiền hộ các con thì bố mẹ nên dạy những đứa trẻ về tính kỷ luật cũng như sự nghiêm túc với đồng tiền.
Tiền mừng tuổi chính là “cơ hội vàng” để dạy con trẻ về tiết kiệm và quản lý chi tiêu đúng đắn. Giáo dục tài chính liên quan đến nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị sống. Chính vì thế, bắt đầu từ những chiếc bao lì xì nhỏ hãy để trẻ học cách hiểu về tiền, phân bổ và quản lý hợp lý thì tôi tin chắc rằng trong tương lai con bạn sẽ trở thành những người quản lý tài chính giỏi, bạn cũng không cần lo giữ tiền hộ con mình.