Năm 2014, Houthi tràn vào thủ đô Sana, lật đổ chính phủ. Saudi Arabia sau đó dẫn đầu một liên minh quân sự tiến hành chiến dịch ném bom kéo dài nhiều năm Yemen nhằm đánh bật lực lượng Houthi và cố gắng khôi phục quyền lực cho Chính phủ Yemen lưu vong được quốc tế công nhận.
Nhiều năm giao tranh đẫm máu, bất phân thắng bại, gây ra nạn đói và đau khổ lan rộng ở Yemen, quốc gia nghèo nhất thế giới Arab. Hàng trăm nghìn người Yemen đã chết vì chiến tranh, đói khát và bệnh tật.
Houthi không chỉ đứng vững sau cuộc chiến chống lại Saudi Arabia cùng liên minh quân sự có sự hậu thuẫn của Mỹ, mà thậm chí còn phát triển mạnh mẽ, thiết lập một nhà nước và cai trị bằng "nắm đấm sắt". Houthi hiện nay tự coi là họ là chính phủ hợp pháp của Yemen, phớt lờ chính phủ lưu vong được quốc tế công nhận. Thông điệp của Houthi ở Yemen hiện nay chính là "chỉ có chúng tôi ở Yemen, chúng tôi đại diện cho người Yemen".
Lệnh ngừng bắn dù kết thúc hơn một năm trước, chiến sự gần như đã tạm yên, song thực tế kỳ vọng hòa bình vẫn mong manh ở Yemen. Saudi Arabia và Houthi đã thực hiện một số vụ trao đổi tù nhân. Một phái đoàn Houthi được mời tham dự các cuộc đàm phán hòa bình cấp cao ở thủ đô Riyadh hồi tháng 9/2023.
Các sự kiện chính trị ở Trung Đông trong những tháng gần đây được đưa tin xen kẽ với các thông điệp quan trọng của Houthi, mang lại cho nhóm này vị thế và tầm ảnh hưởng trong khu vực mà họ đã tìm kiếm từ lâu. Những tuyên truyền của Houthi không thay đổi sau ngày 7/10/2023, cuộc chiến ở Gaza chỉ đem lại điểm khác biệt là mang chúng đến được với khán giả toàn cầu.
Người biểu tình ủng hộ Houthi tại Bani Hushaish, Yemen. Ảnh: Khaled Abdullah (Reuters).
"Nước đục thả câu"
Nhiều phân tích của giới chuyên gia truyền thông cho rằng Houthi đang lợi dụng sự thất vọng của nhiều người Arab với các nhà lãnh đạo vì không nỗ lực đủ mạnh mẽ để thúc đẩy lệnh ngừng bắn hoặc chấm dứt chiến tranh giữa Israel và Hamas. Dễ thấy rằng các hoạt động tuyên truyền trực tuyến của Houthi ít tập trung vào những gì họ làm được, mà chủ yếu tập trung nhiều hơn vào những gì "đối thủ" của họ không làm.
Công bằng mà nói, từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát đến nay, các quốc gia Arab được cho là chưa phát huy hiệu quả ảnh hưởng và vị thế cho các nỗ lực hòa bình, phần nhiều vẫn chỉ mang tính biểu tượng. Nhiều nhà lãnh đạo Arab vẫn giữ lập trường không nghiêng về bên nào trong cuộc xung đột, trong khi một số quốc gia lại bị ràng buộc bởi các thỏa thuận bình thường hóa với Israel, mà nhiều nội dung trong đó cho đến nay vẫn ít nhiều gây tranh cãi vì ít tính đến quyền lợi của người Palestine.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Houthi không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ đối với Palestine. Trong bài phát biểu hồi tháng 1/2024, cựu lãnh đạo Ủy ban cách mạng tối cao Houthi nêu rõ: "Lập trường của Yemen đối với Gaza là một lập trường anh hùng và nhân đạo mà tất cả các quốc gia Arab và Hồi giáo nên áp dụng".
Trên mạng xã hội X, người phát ngôn của Houthi là Mohammed al-Bukhaiti, với tài khoản hơn nửa triệu người theo dõi, đã viết nhiều bình luận bằng tiếng Anh như "Hãy chấm dứt nạn diệt chủng ở Gaza và chúng tôi sẽ ngừng các hoạt động quân sự chống lại Mỹ, Anh và Israel. Đây chẳng phải là yêu cầu chính đáng, đạo đức và nhân đạo ư?"; hay "Chiến thắng trong cuộc chiến nhận thức quan trọng hơn chiến thắng trong trận chiến quân sự".
Trên X, ông al-Bukhaiti hầu như chỉ đăng bài bằng tiếng Anh trong những ngày gần đây, chỉ trích chủ nghĩa đế quốc phương Tây và "nhóm cầm quyền theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái" đồng thời kêu gọi những người theo dõi Mỹ đọc tác phẩm của trí thức cánh tả Noam Chomsky. Ông viết: "Giờ đây tôi muốn truyền bá thông điệp của mình đến người dân các nước phương Tây và tôi hy vọng rằng những người dân tự do trên thế giới sẽ truyền bá lại thông điệp đó trên quy mô lớn nhất".