Còn đối với những bạn sinh viên đi học bởi gia đình yêu cầu, không đam mê, việc các bạn làm đúng ngành hay khác ngành không còn quan trọng, miễn là bạn làm ra tiền và học được những kỹ năng mới.
Trước khi tìm việc làm thêm, anh Trường lưu ý sinh viên nên tự đặt câu hỏi cho bản thân. Thứ nhất là “mình sẽ có được gì từ công việc này (phát triển kỹ năng hay kiếm thêm thu nhập)". Thứ hai là “mình sẽ làm công việc này trong bao lâu, mình sẽ học được gì khi làm công việc này”. Thứ ba là “mình sẽ cân đối, sắp xếp thời gian học tập và làm việc như thế nào”.
Ngoài ra, anh Trường nêu 4 lưu ý cho sinh viên trong quá trình tìm việc làm thêm. Đầu tiên, mỗi bạn cần xác định đâu là mục tiêu quan trọng nhất khi tìm việc để ưu tiên làm trước. Thứ hai, mỗi bạn nên tự học hỏi, chủ động củng cố kỹ năng trước khi làm công việc đó. Thứ ba, mỗi bạn cần có sự chủ động tìm hiểu trước về công việc, hoặc có thể hỏi ý kiến, lời khuyên từ những người đi trước để hiểu rõ hơn về công việc sắp tới.
Bên cạnh những lời khuyên cho sinh viên tìm việc làm thêm, anh Nguyễn Huy Trường và chị Trần Ngọc Thảo còn đưa ra một số ý kiến dành cho sinh viên muốn tìm việc full-time trước thềm tốt nghiệp.
Anh Trường và chị Thảo đều cho rằng sinh viên năm cuối có thể thử nộp CV vào các công ty dù chưa được nhận bằng. Lý do là nhiều công ty hiện nay đã tạo điều kiện cho sinh viên chưa có bằng được đi làm và có thể bổ sung bằng sau khi chính thức tốt nghiệp.
Anh Trường cũng cho rằng việc sinh viên sớm được nhận vào làm việc ở một tổ chức có hệ thống, môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng là cách giúp các bạn sớm được nâng cao kỹ năng và có được những trải nghiệm nghề nghiệp hữu ích.
Chị Thảo khuyên khi chọn việc làm thêm, sinh viên nên cân nhắc những công việc mang tính tương tác cao để nâng cao kỹ năng mềm, hòa nhập được với môi trường làm việc. Ảnh: NVCC. |
Chị Ngọc Thảo nêu một lưu ý cho các sinh viên năm cuối là khi nộp hồ sơ nhưng chưa có bằng, các bạn cần nêu rõ bản thân sẽ tốt nghiệp, nhận bằng vào thời gian nào để nhà tuyển dụng nắm rõ thông tin và cân nhắc. Đây cũng là một cách tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng để họ thấy được bạn là người nghiêm túc với chuyện học hành và quá trình tìm việc.
Khi được nhà tuyển dụng liên hệ phỏng vấn, các “tân binh” nên chuẩn bị kỹ những câu hỏi phổ biến trong các buổi phỏng vấn, tránh bị động hay trả lời ấp úng.
Theo chị Thảo, sự tự tin chính là “chìa khóa” để các bạn trẻ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.Ngoài ra, việc nghiên cứu về công ty và thể hiện rõ bạn đã tìm hiểu về công ty và công việc cũng là một điểm cộng, giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Anh Trường lại đưa ra lời khuyên cho sinh viên năm cuối khi tìm việc full-time là chủ động tìm hiểu, chủ động xác lập mục tiêu, đánh giá công việc để xác định vị trí đó có thực sự phù hợp hay không.
Ngoài ra, anh Trường cho rằng các bạn trẻ cũng cần trang bị thêm những kỹ năng mềm bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, ví dụ kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp, thích ứng, khả năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ... Anh tin rằng đây đều là những yếu tố cần thiết trong xu thế mới của thị trường việc làm nên sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho các bạn trẻ, đồng thời giúp các bạn được nhà tuyển dụng chú ý.
“Mình đề cao sự chủ động tiếp cận, tự học tập và khả năng rèn luyện của mỗi bạn sinh viên. Khi các bạn tự tỏa sáng, thì người khác sẽ chú ý đến bạn”, anh Trường nhấn mạnh.