Đoạn hội thoại đáng yêu của 2 mẹ con.
"Tối nay trước khi đi ngủ, mình đọc được một bài báo rất thấm thía có tựa đề 'Thầy ơi! Cứu con em'. Một nhà giáo đã viết 'gia đình cần phải trở thành hầm trú ẩn cảm xúc cho mọi người, đặc biệt là con trẻ...'. Đúng quá nhỉ?! Đừng biến gia đình thành một trường học với luật lệ hà khắc hay một công sở thứ hai khi ba mẹ là quản lý và con trở thành nhân viên bất đắc dĩ. Những đứa trẻ dù lớn đến mấy, dù là trai hay gái vẫn cứ cần được vỗ về, ủi an và chăm sóc. Chăm sóc bây giờ đâu chỉ là cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày, tiền học đóng đầy đủ. Cái cần chăm sóc nhiều hơn là đời sống tinh thần, là cảm xúc - những thứ không thấy được bằng mắt, không nghe được bằng tai. Nỗi buồn, nỗi thất vọng, sự chán nản cũng vậy. Nó xuất hiện đâu đó trong căn phòng nơi một mình con ngồi, không một ai bên cạnh lắng nghe và hiểu thấu...
Càng lớn con càng kiệm lời, càng có xu hướng thu mình lại và có những cánh cửa trái tim đến một lúc nào đó khép chặt với bố mẹ thì thực sự rất khó để mở ra lần nữa. Đó là lúc muộn màng để nói tới ý nghĩa thực sự của hai tiếng 'gia đình'.
Đọc bài báo xong cứ miên man nghĩ mãi. Nuôi con thời nay khó thật. Thôi cứ nghĩ đơn giản mình cần yêu thương, tôn trọng thì các con cũng vậy. Mình đi làm về chỉ mong được nghỉ ngơi, thư giãn thì cũng hãy mang cho con cảm giác tương tự. Mình khư khư điện thoại lướt facebook cả ngày thì được mà con mới cầm xem một chút đã mắng loạn lên thì cần xem lại mình rồi. Cũng chính mình là người đầu tiên cho con tiếp xúc với các thiết bị thông minh chứ ai, đúng không những người mẹ vừa cho con ăn dặm vừa bật điện thoại/ iPad trước mặt để con ăn nhanh, ăn nhiều? Nên có trách, có chỉnh thì công tâm trách mình, chỉnh mình trước ạ.
Đừng khiến con sợ, con dè chừng mà phải để con yêu, con nể. Đấy nên là mục tiêu phấn đấu của các bố mẹ, tất nhiên là bao gồm cả người mẹ nửa đêm đang kỳ cạch gõ những dòng này. Lúc nào cũng thầm nhắc: con yêu mình hôm nay nhưng chắc gì ngày mai đã thế, mình cứ phải nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ. Đã qua tuổi chiếm lấy trái tim ai đó rồi, giờ chỉ cần chiếm trọn tim con thôi nhỉ? Nếu được con yêu rồi thì mình muốn gì cũng ... dễ", MC Diệp Chi chia sẻ.
Cuộc sống hiện đại với vô số áp lực từ kinh tế, gia đình, con cái... khiến nhiều cha mẹ không đủ thời gian và sự quan tâm để kết nối với con. Việc này kéo dài khiến trẻ ngày một rời xa cha mẹ. Sự thấu hiểu và chia sẻ cũng dần mất đi. Nhiều phụ huynh không hiểu tại sao lúc nhỏ con rất yêu thương mình, nhưng càng lớn càng thay đổi tính nết.
Sự kết nối giữa cha mẹ và con là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tương lai của con. Nhiều trẻ không được quan tâm đầy đủ dễ dẫn đến nóng tính, căng thẳng hoặc trầm cảm, phát triển nhân cách không toàn diện.
Dù ở bất kì giai đoạn nào trong quá trình trưởng thành, trẻ nhỏ cũng cần được cha mẹ yêu thương, quan tâm và chăm sóc đầy đủ. Việc chăm sóc không chỉ về khía cạnh vật chất mà còn về tinh thần. Không ít phụ huynh cho rằng cứ đi làm kiếm nhiều tiền là con hạnh phúc, thế nhưng họ không biết điều con cần thật sự là tình yêu thương của cha mẹ.
Từ đó, cha mẹ nên tạo ra cách kết nối với con dựa trên tính cách, tâm sinh lý của trẻ. Nếu con là một người hướng ngoại, cha mẹ hoàn toàn có thể đưa bé đi chơi, xả stress ở bất kì nơi đâu con muốn. Nếu con hướng nội, sự gắn kết có thể diễn ra ngay trong chính ngôi nhà bằng thời gian cùng nhau đọc truyện, nấu nướng, làm việc nhà, học hành... Hãy để sự kết nối luôn được diễn ra, mỗi ngày và liên tục.
Việc cha mẹ và con cái xảy ra tranh cãi hay bất đồng quan điểm là điều dễ hiểu, tuy nhiên hãy cố gắng bình tĩnh và kiểm soát tốt cảm xúc. Nhất là khi trẻ đang trong độ tuổi trưởng thành. La mắng, đánh đập, quát tháo là cách phản tác dụng, khiến cha mẹ và con cái ngày một xa cách.