Chị Nguyễn Thị Linh (Hà Nội) cho biết, từ hai năm nay, suốt ngày đi học của con gái chị, đang học lớp 4 ở một trường công là những ngày bị bạn đánh. Lí do rất đơn giản, con chị bị đánh vì 'ngứa mắt' nhưng con chị không dám phản kháng.
Lúc đầu, con chị không về kể với bố mẹ bao giờ. Thấy con nằng nặc đòi nghỉ học cộng với tin nhắn của phụ huynh bạn trai mà chuyên đánh con chị ở lớp, chị mới biết con chị bị bạo lực học đường.
Chị Linh bảo con gái chị kể rằng, ngày nào ở trường cũng bị bạn trai cùng lớp đánh. Nếu không đánh thì khi con chị đi qua sẽ đưa chân ngáng cho ngã.
“Có lúc ức quá muốn đến lôi cậu bạn đó ra để hỏi cho ra nhẽ nhưng đến lớp cậu bé đó im không nói một câu nào đành lại nhờ phụ huynh can thiệp. Nhưng dù đã viết bản kiểm điểm cả 100 lần nhưng cậu bạn đó không chừa. Lí do cậu bạn đó đưa ra là ở lớp không chơi, không nói chuyện được với ai thì đành đánh bạn vì chỉ bạn không phản kháng lại mà thôi”- vị phụ huynh này chia sẻ.
Dù biết con bị ức chế và đánh, bạn bè cô lập từ hồi lớp 2 đến nay nhưng chị vẫn chưa tìm ra cách. Bản thân con chị không phải là đứa trẻ hòa đồng, liệu chuyển trường cho con liệu có tốt hơn ở lại môi trường này? Và nếu ở lại thì phải giải quyết thế nào?
Bạo lực “lạnh”, nỗi đau thật?
Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay, bạo lực học đường, không chỉ là những cuộc đánh nhau tập thể, bạo lực về mặt thể chất, xảy ra ở những học sinh cá biệt, ở một trường ở chất lượng giáo dục ở bậc trung mà còn có một loại bạo lực mang tên gọi khác.
Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ, trước nay chúng ta quen với những dạng bạo lực hành động: bạo lực thể hiện qua hành vi, lời nói thường được xem là bạo lực nóng. Nhưng cũng còn có một dạng bạo lực kín hơn, khó nhận diện hơn đó là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc… mà chúng ta có thể gọi tên là bạo lực “lạnh”.
Các loại hình bạo lực như thể chất, tinh thần sẽ gây nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe thể chất, tinh thần và thành tích học tập của các em.
Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho biết, sự việc tự tử của nữ sinh là một câu chuyện đau lòng tác động đến cả gia đình và nhà trường.
Ông Nam cho rằng, chống bạo lực học đường như đạp xe lên dốc: “Nếu chúng ta làm không đến nơi, buông tay giữa chừng thì xe sẽ tụt dốc và có thể dẫn đến những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng”, ông Nam chia sẻ.
Theo một báo cáo mới do UNICEF công bố năm 2018, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới - ước tính khoảng 150 triệu - cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực chung quanh trường học.