Nỗ lực hồi phục không thành, Vn-index quay đầu giảm điểm từ đầu phiên.
Cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt điều chỉnh khiến VN-Index lui về khu vực hỗ trợ 1.060 điểm. GAS, VIC, SAB, MSN, HPG, VIB, GVR tác động nhiều nhất lên chỉ số.
Áp lực bán tiếp tục nới rộng trong phiên chiều nay khiến VN-Index tiếp tục rơi khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.060 điểm về các mốc thấp hơn.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/2, VN-Index giảm 8,73 điểm (0,82%) về 1.055,3 điểm, HNX-Index giảm 2,42 điểm (1,15%) đạt 208,5 điểm, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (0,11%) đạt 77,34 điểm.
Sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế
Thanh khoản tiếp tục lao dốc trong phiên hôm nay. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 9,1 nghìn tỷ đồng.
VCB quay lại vị trí giữ lửa cho thị trường khi đem về cho Vn-index 1,8 điểm. Ở chiều ngược lại, BID lấy đi của chỉ số chính 1,3 điểm.
Đáng chú ý, một cổ phiếu đang làm mưa làm gió trên Upcom trong những phiên gần đây là VNZ – CTCP VNG tiếp tục tăng trần trong phiên hôm nay.
Cổ phiếu này có thêm một phiên tăng kịch trần ngay khi vừa mở cửa phiên 10/2 và được giữ vững cho tới giữa phiên chiều. Bảng điện tử trắng bên bán.
Nhờ chuỗi tăng phi mã 8 phiên liên tiếp, VNZ hiện đã lên mức 893.400 đồng/cp. Điều này đánh dấu việc cổ phiếu VNZ chính thức trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất trong lịch sử gần 23 năm giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua mức giá 847.000 đồng thiết lập bởi cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định vào tháng 5/2007.
Thanh khoản có sự cải thiện đáng kể với 300 đơn vị được khớp lệnh phiên 10/2, tương ứng giá trị giao dịch gần 270 triệu đồng. 7 phiên tăng trần trước đó của mã chứng khoán này đều có cùng một kịch bản 100 đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Nguyên nhân do lượng lớn cổ phiếu đang nằm trong tay các cổ đông nước ngoài cũng như các lãnh đạo cao cấp. Tỷ lệ freefloat (cổ phiếu trôi nổi tự do) của VNZ hiện chỉ đạt 40%, tương ứng hơn 11 triệu cổ phiếu ngoài thị trường.
Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNG
Cùng với đà tăng phi mã của cổ phiếu, vốn hóa thị trường của VNG đã đạt mức 24.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD, gấp gần 4 lần thời điểm chào sàn. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam từng chạm đến. Năm 2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao khi Công ty QLQ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.
Với việc sở hữu 12,3% cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 3,53 triệu cổ phiếu VNZ, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - nhà đồng sáng lập đồng thời là CEO VNG đã ngấp nghé ngưỡng 3.200 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.400 tỷ từ đầu tháng 2.
Trái ngược với sự đi lên giá cổ phiếu, năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG.