Sắc xanh gần như phủ kín bảng điện. Toàn sàn HoSE có 433 mã tăng giá, 61 mã đứng giá tham chiếu và 64 mã giảm giá.
VCB là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 2,17 điểm. Ở chiều ngược lại, VJC lấy đi của Vn-Index 0,03 điểm.
Trái ngược với sự hưng phấn của nhà đầu tư nội, khối ngoại tiếp tục bán ròng 460 tỷ đồng trên sàn HoSE. Top 5 mã bị bán ròng mạnh nhất sàn là VNM (242 tỷ đồng), VHM (121 tỷ đồng), GEX (51 tỷ đồng), VND (49 tỷ đồng), VCB (43 tỷ đồng).
Phiên này, VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC tiếp tục tăng trần lên 12.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này có chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp kể từ 6/3. Thanh khoản cải thiện với khối lượng giao dịch bình quân phiên trên 200.000 cp, gấp 4 lần bình quân phiên qua 1 quý (53.000 cp).
VRC ngược sóng trong bối cảnh thị trường xuất hiện những rung lắc, VN-Index có phiên giảm đến 21 điểm (ngày 8/3).
Theo quy định, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã có văn bản yêu doanh nghiệp bất động sản giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu VRC liên tục tăng trần trong thời gian qua
Mã này cũng từng có nhiều lần tăng dựng đứng như cuối 2019 hay cuối 2021 đến đầu 2022, nhưng sau đó thị giá quay đầu lao dốc sâu.
Liên quan đến tình hình hoạt động, năm 2023, VRC ghi nhận doanh thu 3,9 tỉ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ) trong khi đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 197 triệu đồng (giảm 99% so với cùng kỳ).
Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận bị ăn mòn là do chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 83% trong tổng doanh thu (tương đương 3,2 tỉ đồng)
Tính đến cuối năm 2023, khoản vay tài chính ngắn hạn của Công ty VRC tăng 60% so với đầu năm, ở mức 316 tỉ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng 10%, ở mức 1,17 tỉ đồng. Lượng tiền mặt giảm gần 20%, chỉ còn 9,8 tỉ đồng.