Toàn sàn HoSE có 228 mã giảm điểm, trong khi đó số mã tăng điểm là 201, còn lại là 51 mã đứng giá. Mặc dù nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn nhưng thanh khoản khớp lệnh toàn thị trường tăng so với phiên trước, đạt 20,5 tỷ đồng.
BID là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên Vn-Index khi đóng góp vào 1,35 điểm. Ở chiều ngược lại, VHM lấy đi của Vn-Index 0,53 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/6, HPG của Hòa Phát đóng cửa tại mức giá 26.600 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Hòa Phát đã vượt mốc 150.000 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 1 năm qua (kể từ ngày 10/6/2022).
Nếu so với mức đáy hồi tháng 11/2022, khi đó vốn hóa Hòa Phát chỉ còn 70.000 tỷ đồng, thì giá trị của Hòa Phát đến nay đã tăng gấp đôi.
Nếu tính từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (cuối tháng 3/2023), vốn hóa Hòa Phát đã tăng thêm 30.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 25%).
Cổ phiếu của doanh nghiệp tỷ phú Trần Đình Long tăng tốt thời gian qua
Báo cáo tháng 5 của Hòa Phát cho thấy, bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với tháng 5/2022 nhưng tăng 16% so với tháng 4 vừa qua và lên cao nhất từ đầu năm.
Mặc dù sản lượng bán hàng và công suất sản xuất đã tăng so với các tháng trước, nhưng Hòa Phát vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh sức hấp thụ của thị trường còn yếu trong ngắn và trung hạn.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, tại mức sản lượng thép thô hiện nay, Hòa Phát đang đạt công suất huy động 80%, tương đương với việc đã huy động đầy đủ công suất của 6/7 lò cao. Chứng khoán Rồng Việt dự báo sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát quý 2 sẽ đạt 1,8 triệu tấn, ước tính doanh thu khoảng 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận 600-700 tỷ đồng.