Nhà trị liệu gia đình nổi tiếng người Mỹ - Satya tin rằng: Ảnh hưởng của gia đình nguyên thủy đối với con cái vô cùng chặt chẽ. Một gia đình hạnh phúc sẽ có lợi hơn cho sự phát triển của trẻ.
3 kiểu gia đình dễ khiến con lớn lên thất bại
Gia đình độc đoán
Chuyên gia tâm lý Diana Baumride phát hiện từ những năm 1960 rằng có 3 kiểu nuôi dạy con cơ bản: Dễ dãi, độc đoán và hiểu biết.
Lý tưởng nhất là cách dạy con hiểu biết - bố mẹ cố gắng chỉ bảo cho con một cách hợp lý, dựa trên sự hiểu biết của mình, tạo được sự tin cậy của con.
Cách dạy con tệ nhất là gì? Đó là kiểu bố mẹ độc đoán, luôn yêu cầu con mà không hề giao tiếp cởi mở với trẻ. Họ thường đưa ra các yêu cầu với con như: "Con phải đạt điểm 10 vì mẹ đã bảo thế rồi". Đó là những lời áp đặt nghiêm khắc, vô lý khiến trẻ cảm thấy hoang mang vì chẳng hiểu vì sao lại cần như vậy.
Ngược lại, các bố mẹ hiểu biết sẽ giải thích việc đạt điểm tốt giúp trẻ có được những lợi thế gì trong quá trình học hành và tương lai sau này.
Cách dạy con tệ nhất là gì? Đó là kiểu bố mẹ độc đoán, luôn yêu cầu con mà không hề giao tiếp cởi mở với trẻ. Ảnh minh họa
Gia đình có cha mẹ thường xuyên bất hòa, không tôn trọng nhau
Một bà mẹ từng suy sụp vì cậu con trai học THCS thời gian gần đây có nhiều sự bất ổn về tâm lý, lại còn hay thái độ với mẹ. Hỏi ra mới biết, nguyên nhân sâu xa đến từ chính những người làm cha mẹ.
Người bố đi làm bận rộn, lương cao nhưng không biết tôn trọng vợ. Ngày nào về nhà, anh ta cũng chỉ ngồi trên ghế sopha nghịch điện thoại. Anh ta cũng hay chê bai vợ làm việc nhà không tốt, nấu ăn không hợp khẩu vị.
Về việc giáo dục con, mỗi khi muốn kỷ luật con, người bố này lần nào cũng đổ lỗi "con hư là tại mẹ".
Chứng kiến cảnh này thường xuyên, đứa trẻ dẫn nảy sinh cảm giác coi thường mẹ. Trong mắt cậu bé, mẹ là kẻ vô dụng. Bố thì kiếm tiền, mẹ ở nhà hưởng thụ nhưng việc gì cũng làm không xong.
Cha mẹ đối xử với nhau như thế nào, con cái đều nhìn thấy rõ và ghi nhớ trong lòng. Nói về điều này, một nhà giáo dục trẻ em nổi tiếng chia sẻ: "Đôi mắt của trẻ em là máy ảnh, và bộ não của chúng là máy ghi âm. Lời nói và việc làm của bạn sẽ khắc sâu vào trái tim chúng".
Những gì cha mẹ có thể cho con cái không chỉ là một gia đình hoàn chỉnh (có đầy đủ thành viên), mà còn phải là một gia đình trọn vẹn (nơi cha mẹ yêu thương, tôn trọng nhau và cùng góp ý để con cái phát triển lành mạnh).
Gia đình chiều con quá mức
Một cậu bé nổi giận, cắn vào tay, chân mẹ vì mẹ không chịu mua cho món đồ chơi yêu thích. Càng quát, cậu bé càng gào khóc ăn vạ, và cào, cắn mẹ nhiều hơn.
Vì sao con lại dám cắn cha mẹ? Chắc hẳn ai cũng hiểu chân lý này, đó là chính việc nuông chiều quá mức dẫn đến sự ương ngạnh, kiêu ngạo của con.
Cha mẹ cần hiểu rằng, chiều chuộng quá mức là đang hại con. Cách nuôi dạy này nhìn bề ngoài thì là yêu thương nhưng thực chất rất bất lợi cho sự phát triển sau này của trẻ. Không hề nói quá khi cho rằng nó thậm chí sẽ phá hủy tương lai của trẻ.
Có một quan điểm nuôi dạy con từng được nhiều người đồng tình. Đó là khi con còn nhỏ, cha mẹ không được quá... coi trọng, không được để con có vị trí quá cao trong gia đình. Nếu không đến khi bạn về già, con sẽ không coi trọng bạn.
Hiểu một cách đơn giản, cha mẹ đừng cho rằng con là nhất, mọi người, mọi việc trong nhà lúc nào cũng phải xoay quanh nhu cầu, sở thích của con.
3 kiểu gia đình ảnh hưởng tích cực đến con
Gia đình biết cách quản lý cảm xúc
Theo khảo sát, 90% các bậc cha mẹ có tâm lý lo lắng trong quá trình nuôi dạy con cái. Họ luôn đặt câu hỏi: "Làm thế nào để giao tiếp với con tốt hơn?", "Điều gì xảy ra nếu không có nhiều thời gian dành cho con?", "Phải làm cách nào nếu điểm thi của con không tốt?",…
Nếu con cái bị cha mẹ tác động trong thời gian dài bằng những lời nói và cử chỉ quan tâm có phần quá mức sẽ ảnh hưởng đến tinh thần. Chúng trở nên dễ nổi nóng, mất bình tĩnh, nhạy cảm. Chúng sẽ xa cách cha mẹ, không muốn chia sẻ chuyện trường lớp.
Vì thế, trong việc nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ nên học cách kiểm soát cảm xúc, duy trì sự vui vẻ, lạc quan. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến những đứa trẻ, khiến chúng trở nên hoà đồng, nhiệt tình, cởi mở hơn. Và trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ mọi tâm sự, bí mật cho cha mẹ lắng nghe.
Trong việc nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ nên học cách kiểm soát cảm xúc, duy trì sự vui vẻ, lạc quan. Ảnh minh họa
Gia đình biết cách trao những trải nghiệm
Làm cha mẹ, ai cũng đều lo lắng cho tương lai của con mình. Khi con còn nhỏ, họ lo việc ăn uống, chăm bẵm. Khi con lớn hơn, họ lại sốt sắng chuyện học tập, thi cử của con.
Nhiều phụ huynh còn quan tâm và sắp xếp đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc đời con. Chẳng hạn như: Con phải học trường đại học A, chuyên ngành B; con phải tham gia những lớp năng khiếu này mới tốt cho tương lai,…
Quá trình lớn lên của mỗi con người là quá trình xã hội hoá. Một trong những đặc điểm nổi bật của quá trình là tính thực tiễn. Cha mẹ nên để con tự trải nghiệm cuộc sống để có được những bài học đắt giá. Trải nghiệm càng nhiều càng tốt, đừng bao bọc con quá mức.
Nếu cha mẹ hết lần này đến lần khác can thiệp vào cuộc sống của con cái, chăm lo mọi thứ để con phát triển theo ý mình. Điều này không chỉ tước đi quyền tự trưởng thành của trẻ mà còn khiến trẻ cảm thấy không vui vẻ, hạnh phúc. Chúng cảm thấy ngột ngạt, bất lực vì luôn chịu sự ép buộc từ cha mẹ.
Gia đình có con cái chia sẻ việc nhà
Khảo sát số liệu cho thấy, trong số những gia đình nhất quyết cho con làm việc nhà, tỷ lệ trẻ đạt điểm giỏi lên tới 86,92%.
Bởi trong quá trình làm việc nhà, trẻ có thể kiềm chế hành vi và nâng cao khả năng tự quản lý bản thân. Khi áp dụng khả năng này vào việc học, trẻ có thể đạt được những năng lực tốt hơn và hòa nhập xã hội sau này cũng dễ dàng hơn, đạt được thành công cao hơn.