Đứa trẻ bị bắt quả tang lúng túng và sợ hãi cũng chỉ biết đứng khóc. Tôi gọi ngay cho chồng vì bản thân không thể đứng vững khi nhìn thấy khắp người con gái toàn vết thương.
Sau khi vợ chồng tôi gặng hỏi mới biết được hóa ra những vết thương trên cơ thể con là do bị bạn học cùng lớp đánh. Con bị các bạn cô lập ở lớp, một nhóm bạn đánh con không thương tiếc nhiều lần nên mới có những vết thương lớn nhỏ như vậy.
- Bọn bạn ghen tỵ con học giỏi lại được nhiều bạn quý mến nên chúng đánh con và dọa nếu báo cô giáo hay bố mẹ thì hôm sau sẽ còn bị đánh nặng hơn. Thế nên con không dám nói cho bố mẹ biết.
Đứa con gái của tôi cũng đã 15 tuổi chứ còn bé bỏng gì, vậy mà tôi không biết con phải chịu những áp lực về tinh thần và thể xác như thế này bao nhiêu lâu rồi. Ngay hôm sau tôi đã đưa con đến trường để tìm hiểu sự việc và giải quyết.
Tâm sự từ độc giả toman... @gmail.com
Vấn nạn bạo lực học đường hay bắt nạn bạn học là điều mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi con em đến trường. Bởi đối với trẻ trong trường học cũng giống như người lớn trong trường đời có rất nhiều những sự bất đồng, trẻ dùng bạo lực để giải quyết khiến các bậc phụ huynh cũng không hề hay biết. Và điều này không bao giờ được khuyến khích.
Nếu không thể tránh được những điều này thì ít nhất các bậc phụ huynh cũng nên dạy con cách ứng phó và cũng tự suy nghĩ cho mình những hướng giải quyết đúng đắn.
Theo đó, khi phát hiện con bị bạn học đánh hoặc con xô xát với bạn, bố mẹ nên:
Bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân: Nguyên nhân trẻ đánh nhau thường ít khi xuất phát từ sự thù hận, cố tình mà chỉ là cách bộc phát sự tức giận... Đó là điều hoàn toàn tự nhiên vì trẻ hầu như chưa biết những cách tích cực hơn để xử lý cảm xúc và giải quyết vấn đề như thương lượng, nói chuyện, nhờ người khác giúp… Một phần nữa, đây là bản năng của trẻ, dùng tay chân để giải quyết vấn đề mà chưa biết nghĩ đến hậu quả, cảm xúc của người khác.
Do đó, khi được nhà trường, giáo viên thông báo con xô xát với bạn, các mẹ nên tìm hiểu trước sự việc để có thể hướng dẫn và giáo dục con có mục tiêu hơn. Bố mẹ nên bình tĩnh vì nguyên nhân và hậu quả của sự việc đều do con là trẻ con và không quá nghiêm trọng (trẻ con đánh nhau thường không có hậu quả quá nặng nề).
Nói chuyện với con để tìm hiểu vấn đề: Không nên bắt đầu theo kiểu cha mẹ là người biết hết câu chuyện, hãy lắng nghe con thay vì hỏi tội trẻ. Không phải khi nào kết luận của cô giáo cũng đúng vì cô không để mắt đến trẻ thường xuyên được để chứng kiến sự kiện từ đầu đến cuối hoặc do chủ quan của cô. Hãy để con bình tĩnh kể lại câu chuyện với một thái độ lắng nghe và bĩnh tĩnh, thường xuyên tôn trọng con thì khả năng bé nói dối, bịa chuyện là rất thấp.
Sau khi biết được nguyên nhân cặn kẽ từ hai phía, lúc này cha mẹ hãy đưa ra hướng giải quyết cho cả trẻ và vấn đề của con. Nếu đó chỉ là những xích mích vô tình, không đáng kể giữa các con thì cha mẹ không cần can thiệp quá nhiều mà hãy tin rằng các con có thể tự giải quyết vấn đề. Nếu cha mẹ tham gia quá sâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực xã hội bình thường của trẻ và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ với các bạn.
Nếu cần có sự ra mặt của cha mẹ để giải quyết vấn đề, mẹ có thể cùng con hôm sau đi học sớm và đợi bạn và bố mẹ bạn đến để xin lỗi nếu cảm thấy sự việc nghiêm trọng. Còn nếu không, mẹ chỉ nên đề nghị bé hôm sau đi học thì xin lỗi bạn hoặc tặng cho bạn một món đồ gì đó để tỏ ý xin lỗi.
Dạy con cách tự vệ như thế nào cho đúng:
Nếu đối phương có ác ý nhất định và bắt nạt trẻ nhiều lần, thì các mẹ phải dạy trẻ những cách thiết thực hơn để đối phó, chẳng hạn như nhờ cô giáo giúp đỡ. Nếu cô giáo không thể ngăn chặn được hành vi trên thì cha mẹ nên tìm cách trao đổi thẳng thắn với phụ huynh bên kia để giúp con mình thoát khỏi cảnh bị bắt nạt. Nếu cần, cha mẹ cũng có thể cân nhắc việc thay đổi môi trường học tập cho con.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên rèn cho con thêm khả năng tự bảo vệ mình như chú ý rèn luyện thân thể. Trẻ nhỏ có thể chất yếu, gầy gò thường dễ bắt nạt, vì vậy khi trẻ có thể chất phát triển thì đương nhiên trẻ sẽ ít có nguy cơ bị bắt nạt hơn. Khi cơ thể của trẻ trở nên khỏe hơn, con cũng sẽ trở nên tự tin hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng bạo lực khi giải quyết vấn đề không được khuyến khích, thay vào đó mẹ hãy dạy con dùng sức mạnh này để tự vệ mà thôi, vì khi đó trẻ sẽ hiểu bạo lực là cách được chấp nhận để giải quyết vấn đề và tiếp tục lạm dụng cách này, ngày càng nghiêm trọng hơn sau này.
Nếu con có xu hướng bạo lực có thể là lúc mẹ cần tìm hiểu lại phương pháp giáo dục. Liệu trong cuộc sống ngày thường con có thường xuyên được xem những clip, video, quảng cáo có cảnh bạo lực, đánh nhau không? Hoặc chứng kiến bạo lực ngoài cuộc sống, những tranh chấp từ người trong gia đình chẳng hạn. Cha mẹ chính là tấm gương lớn nhất cho con cái, do đó cách hành xử của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng bạo lực ở trẻ.