Con học trung tâm tiếng Anh mấy năm vẫn không giỏi giao tiếp, thầy giáo chỉ ra nguyên nhân

Hiểu Đan, | 18/08/2023, 09:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

"Bạn không theo đúng quy định, kết quả sẽ không như ý. Khi ấy xin bạn đừng đổ lỗi hoàn toàn cho trung tâm", thầy Sang nói.

"Các mẹ cho con đi học tiếng Anh ở đâu ạ? Bé lớn nhà em (lớp 6) học tại một trung tâm nổi tiếng nhiều năm rồi mà cũng chỉ bập bõm trả lời từng câu hỏi của thầy chứ không giao tiếp trôi chảy như nói chuyện hằng ngày được. Bé sau (6 tuổi) cũng học ở đây được 1 năm nhưng chỉ biết Yes, No thôi" - một bà mẹ ở TPHCM mới đây chia sẻ những dòng tâm sự trong một hội nhóm về tình trạng học tiếng Anh của các con. Đồng thời, chị nhờ các phụ huynh có kinh nghiệm "mách nước" giùm chỗ học hiệu quả, uy tín.

"Con học trung tâm hoài sao không giỏi", có thể thấy đây không chỉ là thắc mắc của mỗi bà mẹ này. Dưới phần bình luận, hàng chục phụ huynh cũng than thở vì "cùng cảnh ngộ". Có người cho con học 1 năm, có người 2 thậm chí 3, 4 năm nhưng khả năng tiếng Anh của con cũng chỉ ở mức nghe hiểu một số câu đơn giản.

Học mãi không giỏi, nguyên nhân vì đâu?

Nói về vấn đề này, thầy Đỗ Cao Sang - người từng có hơn 14 năm làm giáo viên cùng với kinh nghiệm làm giáo vụ, phòng đào tạo cho một số trung tâm ngoại ngữ, cho rằng: Cũng có một phụ huynh hỏi anh, tại sao con gái 12 tuổi nhà mình học ở trung tâm buổi tối (khá danh giá) nhiều năm liền mà năng lực tiếng Anh của cháu tiến bộ rất chậm.

Con học trung tâm tiếng Anh mấy năm vẫn không giỏi giao tiếp, thầy giáo chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 1.

Thầy Đỗ Cao Sang

Thầy Sang cho rằng, con chị có thể không hề lười biếng, bạn ấy có thể đã làm rất tốt yêu cầu của giáo viên. Nguyên nhân có thể xuất phát từ những vấn đề sau đây:

1. Chương trình học tập ở trung tâm tiếng Anh buổi tối khá nhẹ. Để làm cho giờ học thú vị và đầy ắp tiếng cười, người soạn giáo trình cho các bé ở trung tâm đã "pha loãng" kiến thức ra nhiều. Một bé với trí thông minh khá, chỉ cần học trong 1 tuần thì bé đã phải học kéo dài trong 1 tháng.

Thấu hiểu cha mẹ và các bé đa số đề cao sự vui vẻ, sảng khoái, trung tâm ngoại ngữ đã khéo léo đáp ứng điều này. Vả lại, "pha loãng" chương trình ra cũng là phong cách làm việc của châu Âu. Sở dĩ họ làm vậy vì trẻ em của họ có nhiều kênh khác để học và văn hóa châu Âu có khả năng tự học rất cao.

2. Rất ít phụ huynh đồng hành với con, họ giao phó hoàn toàn cho trung tâm. Các trung tâm luôn tổ chức thi kiểm tra đánh giá trình độ các bé sau 3 tháng học. Và điểm số luôn vượt mong đợi của cha mẹ. Nhưng thông thường, điểm số ở trung tâm buổi tối không phản ánh chuẩn 100% trình độ, kỹ năng ngôn ngữ của một người học.

Vấn đề thêm nghiêm trọng hơn là rất ít cha mẹ quan tâm thực sự con mình đang học gì, làm gì, tâm tư ra sao. Nói cách khác, rất ít phụ huynh đồng hành với con. Họ giao phó hoàn toàn cho trung tâm. Đến khi vấn đề đi qua xa, họ mới tá hỏa phàn nàn, "cầu cứu" khắp nơi.

3. Trách người cũng không bằng tự phản tỉnh bản thân. Trung tâm là thế nhưng cha mẹ và các bạn học viên cũng rất thụ động và ỉ lại. Nhiều em coi việc hoàn thành đi học, làm bài được giao là tất cả. Các em không chủ động học, đọc ở nhiều kênh khác.

Học tiếng Anh cần chủ động, tích cực tích lũy từ vựng mọi lúc mọi nơi, đều đặn và bền bỉ. Thầy cô chỉ giúp đưa ra con đường, truyền cảm hứng và dìu dắt bước đầu cho việc học lâu bền của bạn mà thôi.

4. Ngoài việc thụ động trong học hành, các học viên còn tiếp cận tiếng Anh sai cách. Học tiếng Anh cần học kỹ. Mỗi ngày chỉ một đoạn nhỏ tin tức, đoạn phim, đoạn hội thoại, bài hát nhưng học cho kỹ. Nghe họ đọc và nhái theo nhiều lần đến khi thuộc lòng. Giai đoạn đầu, bạn nên thuộc lòng càng nhiều càng tốt. Khi trình độ trên trung cấp, bạn có thể bắt đầu giảm dần sự học thuộc lòng nghiêm khắc đó.

Chẳng những thế, việc học tiếng Anh chủ yếu phải dồn vào học từ vựng và cách dùng từ vựng. Ở trung tâm buổi tối, lượng từ vựng vô cùng nhỏ bé. Các em nhỏ lại không tự học thêm. Mà học từ vựng thì không hề cần đến thầy giáo, giáo trình hay khóa học nào. Bất cứ chỗ nào các em cũng có thể tìm thấy vài từ tiếng Anh. Hãy học nó ngay và luôn.

Các bạn đừng nói "để xong việc X thì em học luôn một thể". Học tiếng Anh không có khái niệm "luôn một thể" mà là ròng rã, liên tục, miệt mài từng chút một trong suốt hành trình dài. Tối thiểu các bạn cũng phải "tu luyện" vài năm mới mong xây dựng được một năng lực tiếng Anh trên bậc trung bình.

Quan trọng hơn cả, ta phải học từ vựng theo cụm, tổ hợp mới nhanh tiến bộ được. Ví dụ: To pour some water into the pot; to be in shortage of money; to prevent the train from moving…Việc học này có vô vàn lợi ích, có thể đẩy tốc độ học tiếng Anh của bạn lên 3 đến 5 lần so với cách học từ vựng riêng rẽ.

Nghe nhiều sẽ giỏi nói - Đọc nhiều sẽ giỏi viết

Học tiếng Anh là mỗi ngày một chút từ vựng, đều, chắc, kỹ, tỉ mỉ. Tuy nhiên tài liệu hợp với bạn là tài liệu 7/3. Nghĩa là 7 cái đã biết và 3 cái mới. Nếu bạn là beginners (người mới bắt đầu) thì tìm sách có ghi chữ beginners. Hãy nhái đọc theo cho thuộc và giống hệt.

Không ai giỏi tiếng Anh mà chỉ chăm chút vào một khóa học. Nhưng trớ trêu là, tư duy ấy cực kỳ phổ biến ở cộng đồng chúng ta. Ngay tư duy về học ngoại ngữ của bạn đã sai, làm sao bạn tiến xa và đúng cách được.

Bạn sẽ có thể thành công nếu theo đuổi học khóa làm kim chi, khóa cắm hoa, khóa cắt may, khóa làm excel, sửa xe máy... Nhưng với tiếng Anh, vì kiến thức của nó quá rộng và vụn vặt, bạn không thể tư duy theo lối đó. Học ngoại ngữ, nên được ví như ong kiếm mật, gà nhặt thóc, bòn mót, gom góp nhiều năm tháng liên tục. Cố gắng phát huy đều đặn và bền bỉ. Làm nhiều lần, không bỏ cuộc mới quan trọng.

Học tiếng Anh chú trọng hỏi "tôi đã làm (nghe/nói/đọc/viết) câu ấy/bài ấy/từ ấy bao nhiêu lần". Đừng nên chú trọng đúng sai. Làm nhiều tất sẽ đúng. Nghe nhiều sẽ giỏi nói. Đọc nhiều sẽ giỏi viết.

Học viên vì thế nên chia sự học thành hai phần việc. Phần cứng (compulsory) và phần mềm (flexible). Phần cứng nghĩa là làm chuẩn/đúng yêu cầu trên lớp, bài tập về nhà, bài chuẩn bị. Phần mềm là học tự do theo sở thích (lồng tiếng, đọc sách, luyện bộ đề thi, xem phim, nghe bài hát…).

Nhiều bạn chưa làm phần cứng đã "nhảy" sang phần mềm. Lồng tiếng rất nhiều. Lồng mà không thuộc thì cũng ít tác dụng. Nên học thuộc bài ở lớp đã. Sau đó mới cơi nới thêm nội dung theo ý thích riêng.

Con học trung tâm tiếng Anh mấy năm vẫn không giỏi giao tiếp, thầy giáo chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Học ở trung tâm có 3 giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt mới có hiệu quả cao: Trước khi lên lớp phải chuẩn bị. Trong khi lên lớp phải tập trung. Sau khi học lớp phải ôn luyện. Trong đó giai đoạn 1 và 3 là quan trọng nhất.

Chúng ta cần tập đọc và viết tối thiểu 5 lần. Đừng tham về khối lượng. Hãy làm thật kỹ một ngày 15 câu/cụm từ. Cái đích là phải tương đối thuộc các cách diễn đạt, từ vựng và phát âm. Nếu không làm kĩ, việc học sẽ kém hiệu quả. Nếu làm đúng lời khuyên, các bạn sẽ tiến bộ rất nhanh. Thuộc được mới là của mình. Chưa thuộc thì nó vẫn là của người khác.

Bạn không theo đúng quy định, kết quả sẽ bất như ý. Khi ấy xin bạn đừng đổ lỗi hoàn toàn cho trung tâm buổi tối.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con học trung tâm tiếng Anh mấy năm vẫn không giỏi giao tiếp, thầy giáo chỉ ra nguyên nhân