"Được nhận vào Đại học Thanh Hoa thì có gì tuyệt vời? Ở đâu mà chả có sinh viên đại học..."
"Thật không biết khoe cái gì, đăng ảnh phong cảnh còn hơn!"
"Ngưỡng vào đại học bây giờ thấp thế sao? Ai cũng vào được như thế này?"
"Đỗ Thanh Hoa thì có cái gì đâu!"
Nhìn thấy những lời ác ý này ở khu vực bình luận, mẹ của Tiểu Từ như bị sét đánh ngang tai. Bà không hiểu vì sao bà chỉ đăng bức ảnh với tâm lý chia sẻ niềm vui của gia đình với mọi người mà lại nhận về phản ứng tiêu cực đến vậy.
Tự hào và hạnh phúc vì con trai đạt được thành tích tốt trong kỳ thi đại học nhưng bà mẹ này không hiểu nổi vì sao mình lại trở thành mục tiêu bị công kích
Để bảo vệ bản thân và con, đi kèm với tâm trạng uất ức, mẹ của Tiểu Từ đã trả lời từng người một, nói rằng việc học tập của con bà thực sự rất khó khăn. Đó là kết quả của sự cố gắng lâu năm của Tiểu Từ, hy vọng mọi người sẽ không quá khích. Cuối cùng, nhằm tránh gây ra những rắc rối không cần thiết, mẹ của Tiểu Từ thậm chí còn xóa luôn tài khoản mạng xã hội của mình, nhưng tâm trạng của bà vẫn không thể bình tĩnh trong một thời gian dài. Bà không biết mình và con đã làm sai điều gì?
Vì đâu nên nỗi?
Sự việc này sau đó đã thu hút nhiều tranh luận. Nhiều người cho rằng thực chất, hành động của người mẹ từ đầu đến cuối không sai, chỉ là bà không tính trước được sự ghen tị của một số cá nhân tiêu cực xung quanh mình. Ở ngoài kia có nhiều người biết lời mình nói ra sẽ khiến người khác khó chịu nhưng họ không quá quan tâm. Khi thấy người khác đạt được thành tích xuất sắc mà bản thân không làm được, không ít người thấy "nóng mắt" và họ quyết định giải tỏa sự ghen tị của mình bằng cách hạ bệ những người chăm chỉ và đạt được thành công.
Được biết sau đó, bố của Tiểu Từ an ủi vợ mình bằng cách bảo bà hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác. Có thể con của bọn họ vừa trúng tuyển vào một trường đại học rất bình thường, thậm chí trượt đại học, rất khó có khả năng những người này sẽ thật sự nguyện ý chúc phúc cho con trai họ. Đây đơn giản là tâm lý "không ăn được nho liền chê nho chua" mà thôi.
Thực chất, đây không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, cũng có một gia đình ở Giang Tô (Trung Quốc) từng bị công kích trên mạng chỉ vì khoe con họ trúng tuyển vào Đại học Bắc Kinh. Một cư dân mạng bình luận: "Ai cũng có sự ghen tị. Có người nhìn người khác khoe khoang đã không chịu nổi chứ đừng nói đến việc thừa nhận bản thân hay con cái mình không giỏi bằng người khác. Âu cũng là điều đáng suy ngẫm".