Dưới sự hướng dẫn đầy kiên nhẫn của Lý Minh, cô Từ cuối cùng đã hiểu ra rằng, chồng cô cũng đã nỗ lực rất nhiều cho gia đình cô. Chồng cô luôn là người chi trả phần lớn chi phí cho việc học hành của con cái và cuộc sống gia đình, nhưng cô luôn phớt lờ những cố gắng của anh. Hơn nữa, khi anh giúp cô làm việc nhà thì cô lại soi mói bắt bẻ quá mức. Sự phủ nhận những nỗ lực của chồng khiến khoảng cách giữa hai người ngày càng xa. Sau khi được Lý Minh tư vấn, cô Từ đã không còn phàn nàn về chồng của mình nữa.
Sự thay đổi của cô cũng khiến chồng ngày càng thể hiện sự quan tâm của mình đối với gia đình hơn. Khi không phải làm thêm giờ, anh đã chủ động giúp con làm bài tập về nhà, đưa con đi chạy bộ và đi chơi vào cuối tuần.
Lý Minh giải thích với cô Từ rằng: "Đó là vì anh ấy cảm thấy bản thân được công nhận."
Nhưng trong hầu hết các gia đình hiện nay, cả hai vợ chồng luôn đổ lỗi cho nhau và cho rằng đối phương chưa có đóng góp gì cho gia đình. Kết quả là những rạn nứt trong hôn nhân ngày càng rộng hơn cho đến khi đạt đến mức không thể hàn gắn được. Vì vậy, một gia đình hạnh phúc đòi hỏi cả hai vợ chồng phải cùng nhau xây dựng gia đình, giúp đỡ lẫn nhau và thấu hiểu cho nhau.
3. Phớt lờ ý kiến của con trẻ
Lee Yoo-nam, một chuyên gia giáo dục, là hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở Hàn Quốc. Điểm số của con trai cô thuộc loại cao nhất trường, còn con gái cô đang theo học tại một trường nữ sinh nổi tiếng, mọi người đều ghen tị với sự nghiệp thành đạt và gia đình hạnh phúc của cô. Tuy nhiên, khi mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp thì các con liên tiếp đòi bỏ học.
Tất nhiên là Lee Yoo-nam sẽ không chiều theo ý con và chúng bắt đầu có những hành động phản nghịch. Con trai cô hàng ngày ở nhà chỉ chơi game, xem TV và ngủ, thậm chí còn mắc chứng rối loạn xã hội nghiêm trọng. Cô con gái thì nhốt mình trong phòng, cạo trọc đầu, xé quần áo, sách vở. Lý do cho tất cả những điều này là Lee Yoo-nam đã ép hai đứa con của mình học tập quá mức trong khi bản thân chúng không hề muốn điều đó, thậm chí vì việc học mà ngăn cấm những sở thích khác của con.
Các nhà tâm lý học hành vi đã phát hiện ra rằng đằng sau mỗi hành vi của một đứa trẻ đều ẩn chứa một nhu cầu. Hầu hết sự nổi loạn của trẻ em đều bắt nguồn từ việc cha mẹ chúng phớt lờ tiếng nói của chúng trong thời gian dài. Và khi cha mẹ không áp đặt mong muốn của mình lên con cái, những rạn nứt trong mối quan hệ cha mẹ và con cái sẽ bắt đầu được hàn gắn.
Điều quan trọng nhất để có một gia đình tốt là đừng thờ ơ với những thành viên gia đình mình. Hãy kiên nhẫn lắng nghe cha mẹ, nhìn thấy sự cống hiến và nỗ lực của người bạn đời, tôn trọng mong muốn và ý kiến của con cái, chỉ có như vậy gia đình mới hòa thuận và hạnh phúc.