Con tôi có mang sổ đỏ của vợ chồng tôi đi cầm cố để lấy tiền trả nợ và tiêu xài, xin hỏi luật sư tôi cần làm thế nào nếu con cái lấy trộm sổ đỏ của tôi đi cầm đồ?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối trả lời:
Căn cứ Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định thì cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Có thể căn cứ theo Điều 295 Bộ luật dân sự năm 2015 có ghi nhận với tài sản bảo đảm, các loại tài sản mang đi cầm cố phải có quyền sở hữu hợp pháp của người cầm cố. Trong trường hợp những người con mang tài sản của bố mẹ, tức là mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là số đỏ) đứng tên của bố mẹ chứ không phải đứng tên của những người con đem đi cầm cố, sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, và những người con này sẽ không thể cầm cố những tài sản đó do họ không phải là chủ sở hữu hợp pháp.
Trong trường hợp này giao dịch thế chấp bằng quyền sử dụng đất sẽ được coi là giao dịch vô hiệu do không thỏa mãn các yếu tố của một giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015.
Giao dịch này vô hiệu do các yếu tố như không được sự đồng ý của chủ sở hữu đất hợp pháp, không tuân thủ trình tự và thủ tục thế chấp như không công chứng hợp đồng thế chấp theo đúng quy định của pháp luật, không đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền …
Vì thế cho nên, bố mẹ hoàn toàn có thể khởi kiện đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đó là Tòa án để đề nghị tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Khi đó thì Tòa án sẽ căn cứ theo Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015, giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên sẽ trao trả lại cho nhau những gì đã nhận, tức là những người con sẽ phải trả lại khoản tiền vay, và bên nhận thế chấp sẽ trả lại sổ đỏ cho bố mẹ.
Ngoài ra các vấn đề pháp lý như trên, gia đình bạn có thể gặp rất nhiều phiền phức như Bên cho vay tiền sai người đến đe dọa, uy hiếp, gây phiền phức, bạn có thể trình báo sự việc với công an địa phương để ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm. Đồng thời con bạn cũng có thể gặp rắc rối pháp lý từ những chủ nợ do việc vay nợ. Bạn cũng cần chuẩn bị kĩ tình huống này nếu có phát sinh xảy ra để xử lý kịp thời.