Cũng theo ông Hà, hiện nay các dịch vụ mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng phổ biến có nhiều người dùng tại Việt Nam (như Facebook, Telegram,...) do các Tập đoàn, công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới còn buông lỏng kiểm duyệt, quản lý nội dung, tài khoản mạng xã hội nên các đối tượng có điều kiện thành lập các hội nhóm kín có tính chất vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, ông Hà cho biết Bộ Công an và Công an TP.HCM đã chủ động nắm và dự báo tình hình, từ đó đề ra nhiều nhóm giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra khám phá các vụ án kịp thời.
Ông Hà cũng kiến nghị gia đình, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm quản lý con em, học sinh, nhân viên tham gia các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội xảy ra.
Đại diện Công an TP.HCM cho biết đơn vị này đã thực hiện một số giải pháp để ngăn chặn tội phạm phát sinh từ các hội nhóm kín trên mạng xã hội.
Đơn cử như phối hợp Sở TT-TT kiến nghị Bộ TT-TT yêu cầu các công ty cung ứng dịch vụ mạng xã hội nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội, nhóm, tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức đấu tranh với các hệ loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm gây phát sinh những hệ lụy xấu trong xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi hướng dẫn người khác phạm tội trên mạng; hành vi lợi dụng không gian mạng lôi kéo, tập hợp băng nhóm tội phạm.
Cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm, nâng cao nhận thức người dân về việc phòng ngừa, phát hiện tội phạm để kịp thời báo cáo, tham gia cùng lực lượng Công an xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội...