Công bố PCI 2022: Bắc Giang bứt phá ngoạn mục, Hà Nội tụt hạng sâu

11/04/2023, 10:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(NLĐO)- Tỉnh Bắc Giang đã thay đổi vị trí trên bảng xếp hạng PCI 2022 nhờ nhiều giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong khi Hà Nội và TP HCM đều tụt hạng

Ngày 11-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI 2022).

Theo kết quả do VCCI công bố, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh liên tục ở vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

Theo đánh giá của VCCI, Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư". Quá trình khảo sát của VCCI ghi nhận tới 93% ý kiến đánh giá cán bộ nhà nước tại tỉnh Quảng Ninh giải quyết công việc hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.

Công bố PCI 2022: Bắc Giang bứt phá ngoạn mục, Hà Nội tụt hạng sâu - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng PCI năm 2022

Đáng chú ý kết quả PCI 2022 đã có sự thay đổi ngoạn mục về vị trí xếp hạng của tỉnh Bắc Giang. Nếu như PCI 2021 Bắc Giang xếp ở vị trí 31, thì PCI 2022, địa phương này đã cải thiện 29 bậc, vươn lên vị trí thứ 2 với 72,8 điểm.

Theo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Giang đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán "luôn đồng hành cùng doanh nghiệp" của chính quyền tỉnh này. Trong những năm gần đây, chính quyền tỉnh Bắc Giang thường xuyên đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tỉnh Bắc Giang đã nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính quyền về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Vị trí thứ 3, 4 và 5 trên bảng xếp hạng PCI 2022 lần lượt là Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp. Đối với Đồng Tháp, đây là năm thứ 15 liên tiếp địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long này có mặt trong TOP 5.

Các tỉnh gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh vẫn giữ ổn định vị trí trong TOP 10 của bảng xếp hạng PCI năm 2022. Riêng tỉnh Long An đã tăng 6 bậc so với năm 2021 để vào TOP 10 của PCI 2022.

Trong khi đó, Hà Nội tụt hạng khá sâu trên bảng xếp hạng PCI 2022. Theo đó, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 20, trong khi PCI năm 2021 địa phương này xếp vị trí thứ 10. Bên cạnh đó, TP HCM xuống 13 bậc, từ vị trí 14 của PCI 2021 xuống vị trí 27 của PCI 2022.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đây là năm thứ 18 VCCI công bố chỉ số PCI. Qua điều tra thực tế doanh nghiệp, PCI phản ánh được khoảng cách giữa quy định, chính sách và chất lượng thực thi trên thực tế và tạo động lực để chính quyền các tỉnh, thành phố dần thu hẹp khoảng cách này.

Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh điều tra gần 12 ngàn doanh nghiệp trong PCI 2022 thấy được nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, nhiều địa phương đã nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI qua các năm.

Đơn cử như tỉnh Đắk Nông PCI 2021 xếp ở vị trí 52, nhưng tại PCI 2022, Đắk Nông đã vươn lên vị trí thứ 38, cải thiện 14 bậc trên bảng xếp hạng. Trước đó, PCI 2020, Đắk Nông ở vị trí 60 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chia sẻ về sự thay đổi này bên lề buổi công bố PCI 2022, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông, cho biết xác định cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những giải pháp trọng yếu để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động để thực hiện các giải pháp đó.

Theo ông Ngô Thanh Danh, tỉnh Đắk Nông đã tập trung đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh.

Bên cạnh đó, chủ động, tích cực trong việc tiếp cận, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư lớn. Để trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông cho biết tỉnh đã tập trung nguồn lực để tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống điện, thông tin... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư đến với tỉnh.

Trong thời gian tới, ông Ngô Thanh Danh cho biết tỉnh tiếp tục đặc mục tiêu cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI năm 2023. Để thực hiện điều đó, tỉnh lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu phấn đấu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Ông Tuấn cho biết đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Minh Chiến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công bố PCI 2022: Bắc Giang bứt phá ngoạn mục, Hà Nội tụt hạng sâu