Công nghệ mới, cách tiếp cận mới hướng tới chấm dứt bệnh lao

Định Yên | 31/03/2023, 10:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Việt Nam hiện vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao trên thế giới.

Ngày 28/3, trường Đại học Bắc Carolina tại Việt Nam (UNC Việt Nam) đã tiến hành lễ khởi động dự án nghiên cứu “Bảo vệ hộ gia đình khi phơi nhiễm với bệnh nhân chỉ điểm mới chẩn đoán lao kháng đa thuốc” (Protecting Households on Exposure To Newly Diagnosed Index Multidrug-Resistant Tuberculosis Patients - PHOENIx MDR-TB) tại hội trường S1, Bệnh viện Phổi Trung ương, Hà Nội.

Phát biểu mở đầu lễ khởi động, TS. BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bối cảnh và những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt với bệnh lao kháng đa thuốc.

bs-dinh-van-luong.jpg
TS. BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu.

“Hiện tại, Việt Nam vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao trên thế giới. Năm 2022, với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống phòng, chống lao trên toàn quốc, Việt Nam đã đạt mức phát hiện bệnh lao bằng với năm 2019, trước khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nước ta, nhưng tình hình bệnh lao và lao kháng thuốc vẫn là thách thức lớn để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035” - ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự vinh dự khi được đồng hành cùng UNC Việt Nam để thực hiện dự án nghiên cứu PHOENix trong việc tìm ra những công cụ mới trong lĩnh vực điều trị và dự phòng lao và lao kháng thuốc tại Việt Nam.

Về dự án, PHOENix là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, giai đoạn III, đối chứng ngẫu nhiên của Mạng lưới thử nghiệm lâm sàng AIDS (ACTG).

bs-tran-viet-ha.jpg
Ths. Bs. Trần Việt Hà, Giám đốc văn phòng đại diện của đại học Bắc Carolina tại Việt Nam

Phát biểu trong lễ khởi động, Ths. Bs. Trần Việt Hà, Giám đốc văn phòng đại diện của đại học Bắc Carolina tại Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh tình hình bệnh lao kháng đa thuốc tại Việt Nam.

Theo bà, số người tiếp xúc hộ gia đình có nguy cơ mắc lao tại Việt Nam hiện đáng lo ngại. Khoảng 50% người tiếp xúc hộ gia đình của bệnh nhân lao đa kháng thuốc có nguy có mắc lao. Tổ chức y tế thế giới khuyến khích có nhiều hơn nữa nghiên cứu về các phác đồ dự phòng lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc hộ gia đình của bệnh nhân lao đa kháng thuốc.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu PHOENIx được lập ra với mục tiêu nhằm so sánh tính hiệu quả và tính an toàn của Delamanid với Isoniazid trong dự phòng lao hoạt động cho người tiếp xúc hộ gia đình có nguy cơ cao của bệnh nhân lao kháng đa thuốc.

benh-lao-01.jpg

Kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần gợi ý cho chương trình phòng chống lao và tổ chức y tế thế giới đưa ra những khuyển cáo về một phác đồ dự phòng lao cho NTXHGĐ của bệnh nhân MDR-TB. Ngoài ra nghiên cứu làm giảm hạn chế tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng, từ đó góp phần vào mục tiêu quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Dự án nghiên cứu hiện đang được thực hiện ở 29 cơ sở, tại 12 quốc gia trên toàn thế giới: Thái Lan, Philippines, Brazil, Peru, Nam Phi, Uganda, Kenya, Haiti, Zimbabwe, Tanzania, Ấn Độ và Việt Nam.

Tại Hà Nội, Văn phòng Trường Đại học Bắc Carolina tại Việt Nam (UNC Việt Nam) phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung Ương và Bệnh viện Phổi Hà Nội cùng thực hiện nghiên cứu PHOENIx. Cơ sở nghiên cứu được đặt tại Bệnh viện Phổi Trung Ương và điểm thu tuyển người tham gia ở Bệnh viện Phổi Hà Nội.    

Đây là một tín hiệu đáng mừng trong công tác tìm hiểu và nghiên cứu công nghệ mới, cách tiếp cận mới phù hợp với định hướng chấm dứt bệnh lao đến năm 2035 của Bộ Y tế Việt Nam nói riêng và Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu nói chung.

Bài liên quan
Hành trình ngăn chặn bệnh lao lên tầm cao mới của nhóm nghiên cứu khoa học
Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam" do PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và 22 đồng tác giả vừa vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt 6.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ mới, cách tiếp cận mới hướng tới chấm dứt bệnh lao