Tuy nhiên, để việc công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của các cơ sở giáo dục nước ngoài bảo đảm chất lượng, phù hợp điều kiện Việt Nam cần có chính sách, quy định phù hợp.
Theo ông Tôn Quang Cường, trước hết, cơ quan quản lý cần thường xuyên cập nhật, rà soát, cung cấp công khai danh sách chương trình đào tạo theo phương thức phi truyền thống của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài mọi trình độ (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ), được kiểm định bởi cơ quan giáo dục có thẩm quyền, uy tín.
Bên cạnh đó, cung cấp thông tin bổ trợ liên quan đến sử dụng nguồn nhân lực, phản hồi đánh giá từ thị trường lao động, nhà tuyển dụng của Việt Nam và quốc tế; thông tin các hiệp định, công ước trong khu vực và quốc tế về công nhận văn bằng đào tạo…
Ông Tôn Quang Cường đồng thời cho rằng, cơ sở giáo dục ĐH trong nước cần phát huy tính tự chủ, trách nhiệm giải trình xã hội trong tổ chức liên kết đào tạo với nước ngoài, thực hiện chương trình đào tạo theo phương thức phi truyền thống được kiểm định bởi cơ quan giáo dục có uy tín.
Tăng cường sự vào cuộc, giám sát và thông tin phản hồi của tổ chức xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động, tổ chức, doanh nghiệp, cựu sinh viên… liên quan đến ngành, nghề đào tạo theo phương thức phi truyền thống ở cơ sở giáo dục nước ngoài.
Ngoài ra, người học có trách nhiệm và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn tham gia chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài theo phương thức phi truyền thống để đảm bảo tính hợp lệ, uy tín về bằng cấp.
Công nhận bằng cấp đối với chương trình đào tạo từ xa của các trường ĐH nước ngoài của Việt Nam là phù hợp với xu hướng quốc tế trong thời đại công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu người học cũng như phát triển nguồn nhân lực trong nước.
Khẳng định điều này, TS Nguyễn Văn Cường lưu ý, khi thực hiện cần có quy định pháp lý phù hợp, không phân biệt giữa bằng cấp học trực tiếp và từ xa. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có biện pháp để bảo đảm bằng cấp đào tạo từ xa được công nhận phải là bằng cấp các trường ĐH có kiểm định và có quy định nhằm xác nhận tính hợp pháp của bằng cấp được công nhận.
Với PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh, để bảo đảm chất lượng, việc công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của trường nước ngoài cần thiết kèm theo các điều kiện. Ví dụ như, minh chứng trường nước ngoài cấp bằng phải đạt kiểm định chất lượng quốc tế đầy đủ, hoặc đạt kiểm định chất lượng của chính phủ nơi trường thành lập, hay các tổ chức được cơ quan chính phủ công nhận. Trên văn bằng có nội dung đào tạo thì cần phải thể hiện hình thức đào tạo, có yêu cầu minh chứng rõ ràng, đủ pháp lý để bảo đảm người có tên trên văn bằng học thật, thi thật.
“Đối với ngành đặc thù liên quan Giáo dục học, văn hóa truyền thống Việt Nam, cần xem xét chuẩn đầu ra hình thức đào tạo có tiệm cận chuẩn quốc gia của Việt Nam chưa. Đây là vấn đề quan trọng không chỉ với người học mà cả các trường, thị trường sử dụng lao động của Việt Nam”, PGS.TS Lê Thị Tuyết Trinh lưu ý thêm.
Ở Đức, bằng cấp của hình thức đào tạo từ xa và đào tạo trực tiếp được công nhận tương đương về mặt pháp lý. Theo khảo sát thực tiễn ở 300 doanh nghiệp lớn với số lao động từ 150 người, kết quả cho thấy người tốt nghiệp chương trình đào tạo từ xa được các nhà quản lý nhân sự thừa nhận và tuyển dụng. - TS Nguyễn Văn Cường