Công nhận tín chỉ đào tạo: Người học được hưởng lợi?

Minh Phong | 07/12/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Công nhận tín chỉ đào tạo mở ra nhiều cơ hội cho các cử nhân tương lai...

Được phép trao đổi sinh viên

Cuối tháng 10/2022, 10 trường đại học hàng đầu cả nước trong khối kinh tế đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo đảm chất lượng giáo dục. Các trường tham gia thỏa thuận gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Thương mại; Học viện Tài chính; Học viện Ngân hàng; Học viện Chính sách và Phát triển; Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội); Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng); Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế); Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, 10 trường đại học sẽ tổ chức các khóa trao đổi học viên, sinh viên. Khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần) cho phép người học của các trường được đăng ký học tập/thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng sinh viên của trường tiếp nhận trong các lớp mở theo kế hoạch học tập của trường.

Khóa ngắn hạn (từ 3 - 8 tuần) được tổ chức trong thời gian hè. Các trường đại học công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học thuộc nhóm 10 trường trong thỏa thuận đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ. Chương trình dự kiến mở từ học kỳ hè năm học 2022 - 2023 tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Các chương trình tiếp theo sẽ tổ chức luân phiên tại các trường (theo đăng ký tự nguyện).

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - chia sẻ, thỏa thuận giữa các trường nhằm tạo dựng môi trường học tập thuận lợi nhất cho sinh viên. Qua đó, đem đến cho các em nhiều trải nghiệm bổ ích trước khi bước vào thị trường việc làm. Mỗi trường có thế mạnh riêng, sinh viên có thể tìm hiểu và khai thác những điểm tốt nhất của từng trường. Trước khi thỏa thuận, các trường đã điều chỉnh để chương trình đào tạo tương đối gần nhau. Khi sinh viên học trao đổi trong 1 học kỳ (khoảng 3 - 4 môn) thì các môn này có sự tương đồng với môn sẽ học tại trường tiếp nhận.

PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - thông tin, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện trao đổi sinh viên giữa trường trong nước với trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi sinh viên giữa các trường trong nước với nhau chưa nhiều. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang tiến hành rà soát lại toàn bộ kế hoạch đào tạo để bảo đảm phù hợp với kế hoạch đào tạo của các trường khác. Nhà trường cũng chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của trường bạn tham gia hợp tác lần này.

Là sinh viên hoàn thành tốt nghiệp và nhận bằng chỉ sau 3,5 năm học tập, Trần Thế Khoa, kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, cho biết: “Ngành học liên thông và được công nhận (quy đổi) tín chỉ với nhóm trường trong khối kỹ thuật nên em theo dõi từng học phần và số tín chỉ trong mỗi học kỳ cần hoàn thành để sắp xếp và đăng ký học, thậm chí đăng ký học vượt, nhờ vậy tích lũy đủ số tín chỉ đào tạo (điều kiện tốt nghiệp) trong khoảng 3,5 năm.

Việc tiết kiệm được khoảng thời gian nửa năm học không chỉ giúp em nhanh chóng chọn lựa cho mình cơ hội việc làm, quan trọng hơn việc học nhanh còn tiết kiệm được khoản chi phí để lo cho em ruột đang theo học tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cong-nhan-tin-chi-dao-tao-nguoi-hoc-duoc-huong-loi-post617734.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cong-nhan-tin-chi-dao-tao-nguoi-hoc-duoc-huong-loi-post617734.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhận tín chỉ đào tạo: Người học được hưởng lợi?