Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trường THCS Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định

07/10/2023, 09:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiệm vụ chiến lược của trường là khuyến khích, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài có khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo cho quê hương đất nước.

Trong những năm qua, nhiều học sinh trường THCS Nghĩa Hưng đã đỗ vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và toả sáng ở tầm quốc gia cũng như quốc tế.

Năm học 2022 – 2023, trường THCS Nghĩa Hưng đặc biệt tuyên dương sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm của những đội có chất lượng đồng đội cao như đội tuyển Toán 8 do thầy Nguyễn Văn Trung lãnh đội xếp thứ 3/10 đơn vị dự thi. Đội tuyển Anh 8 do cô Phạm Thị Ánh Tuyết lãnh đội xếp thứ 4/10 đơn vị dự thi.

Bên cạnh đó, trường THCS Nghĩa Hưng đã tuyên dương những cố gắng của cô trò đội tuyển Anh 8, Lịch sử 9, Hoá học 9 và Địa lý 9. Vì đã có thành tích nổi bật, đó là có những học sinh đoạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hoá của tỉnh Nam Định. Tổng cộng trường THCS Nghĩa Hưng có 5 học sinh đoạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. Đặc biệt là đội tuyển Lịch sử có 2 giải nhất, trong đó có 1 thủ khoa. Để đạt được giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh không phải đơn giản. Bởi vì, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định quy định tối đa mỗi đội chỉ chọn có 5 giải nhất. Nên các đội có học sinh đạt giải nhất là một sự cố gắng rất lớn và hơn hết là sự hội tụ tinh hoa trí tuệ của cả thầy và trò.

Cô giáo Trần Thị Duyên – Giáo viên lãnh đội Đội tuyển Lịch sử có 2 học sinh đạt giải nhất, trong đó có 1 thủ khoa đã chia sẻ một số kinh nghiệm: “Đứng trước thực trạng môn Lịch sử là môn học rất khó để chọn học sinh tham gia vào đội tuyển. Bản thân tôi đã đưa ra những giải pháp: Thứ nhất, truyền lửa cho học sinh để các em thấy được giá trị của kiến thức lịch sử sẽ giúp các em thành công trong tương lai. Khi chúng ta có kiến thức lịch sử, chúng ta sẽ trở thành những người hiểu biết, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có kế hoạch, có mục tiêu, có phương hướng khả thi. Hay chúng ta làm bất kỳ công việc gì trên các lĩnh vực khác nhau thì hiểu biết về lịch sử sẽ góp phần không nhỏ giúp chúng ta thành công.
Thứ hai, giáo viên cần đầu tư vào giáo án để làm sao đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là giải quyết thực trạng học sinh vào đội tuyển Lịch sử chủ yếu là những học sinh tốp cuối của khối. Nên việc tiếp cận, ghi nhớ và vận dụng kiến thức gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, giáo viên cần có một giáo án làm sao cho các em lĩnh hội được một cách tốt nhất để đi thi đạt kết quả cao. Giáo án giống như kim chỉ nam, là đường lối chỉ dẫn để thành công. Nhận thức được vấn đề này, tôi đã đầu tư cho việc soạn giáo án. Giáo án của tôi là sự kết hợp của rất nhiều nguồn tài liệu tham khảo, từ sách giáo khoa Lịch sử 9 đến 12, từ những cuốn ôn thi đại học, từ những sách chuyên đề nâng cao phát triển…

Trên cơ sở đó, tôi đã thiết kế giáo án thành một hệ thống kiến thức theo chủ đề một cách logic dễ học, dễ vận dụng làm bài tập ở tất cả các tình huống khác nhau. Trong giáo án, tôi có cả hệ thống bài tập cho học sinh luyện theo tinh thần đổi mới phát triển cả năng lực và phẩm chất học sinh mà Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành. Đặc biệt, giáo án của tôi được chỉnh sửa, bổ sung qua mỗi năm sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình”.

Nổi bật trong công tác bồi dưỡng HSG, cô giáo Đinh Thị Tuyến – Giáo viên lãnh đội tuyển Hoá học có học sinh đạt giải nhất chia sẻ: “Muốn có được những kết quả sáng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi thì trước tiên phải truyền lửa cho học sinh yêu thích môn học, để học sinh thấy được giá trị thực tiễn của bộ môn. Đặc biệt, trong quá trình dạy, giáo viên cần tiến hành thực nghiệm cho học sinh quan sát, gắn những kiến thức trong sách để liên hệ với thực tiễn cuộc sống xung quanh và rèn ý thức tự học cho học sinh”. Nhờ vậy, nhiều thế hệ học sinh dưới sự dìu dắt của cô đã thành công ở môi trường mới. Tiêu biểu là em Ninh Thị Việt Hà đạt giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hoá học và đỗ thủ khoa chuyên Hoá trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm học 2021 – 2022.

Những lời chia sẻ của cô Trần Thị Duyên và cô Đinh Thị Tuyến đều có điểm chung về việc làm thế nào để học sinh yêu thích môn của mình. Đó là giúp học sinh thấy được giá trị bộ môn, gắn những kiến thức trong sách với thực tiễn cuộc sống theo phương châm “Học đi đôi với hành”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trường THCS Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định