Đoàn kiểm tra của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao công tác khuyến học tại Yên Bái, có nhiều sáng tạo.
Có gần 218 nghìn gia đình học tập trên địa bàn
Ngày 27/7, Đoàn kiểm tra của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã có buổi làm việc với Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Trong những năm qua, Hội khuyến học các cấp tỉnh Yên Bái đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp phát huy vai trò nòng cốt trong việc liên kết với các lực lượng, các tổ chức, vận động toàn dân tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT).
Tổ chức khuyến học trên địa bàn được củng cố từ cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 254.316 hội viên hội khuyến học, chiếm 29,7% trên tổng số dân; có 9 hội khuyến học huyện, thị, thành phố (đạt 100%); 173 hội khuyến học xã, phường, thị trấn (đạt 100%); gần 218 nghìn gia đình học tập, 586 dòng họ học tập và gần 1.400 cộng đồng học tập.
Việc phát động, xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập theo Quyết định số 387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có những chuyển biến khá rõ nét về nhận thức và hành động. Phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, công dân học tập đã trở thành việc làm thường xuyên...
Hội Khuyến học phối hợp với các ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh thực hiện tốt Đề án "Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2021 – 2030.
Đồng thời gắn phong trào "Toàn dân xây dựng xã hội học tập” với rất nhiều phong trào như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.
"Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", "Cán bộ công chức, viên chức tỉnh Yên Bái thi đua thực hiện văn hoá công sở giai đoạn 2019-2025”, "Thi đua chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025”, "Xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”…
Các trung tâm học tập cộng đồng đã phối hợp với trường học tổ chức nhiều lớp xóa mù chữ tại các huyện Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ.
Phối hợp với phòng chuyên môn cấp huyện tập huấn, bồi dưỡng chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề thủ công truyền thống; tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, mỗi năm tổ chức trên 1.000 lớp với hơn 50.000 lượt người tham gia.
Công tác xây dựng, phát triển Quỹ khuyến học được quan tâm. Nhiều hình thức xây dựng Quỹ được duy trì hiệu quả; hàng trăm ngàn học sinh, giáo viên được khen thưởng, nhận hỗ trợ từ Quỹ khuyến học, khuyến tài các cấp.
Sáng tạo trong công tác khuyến học
Đại diện đoàn kiểm tra của Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh Yên Bái.
Đặc biệt, đoàn đánh giá cao Yên Bái đã có những nội dung sáng tạo trong thực hiện Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động như: tổ chức Câu lạc bộ Khuyến học tại huyện Trấn Yên, công tác thúc đẩy học tập suốt đời trong cộng đồng thông qua hoạt động văn hóa đọc, "Học không bao giờ cùng"; triển khai đề tài khoa học dạy tiếng Dao cho người Dao; dạy tiếng Anh phục vụ du lịch cộng đồng; tư vấn hướng nghiệp.
Đây là điểm sáng của tổ chức khuyến học Yên Bái, đóng góp trực tiếp vào việc khuyến học của cộng đồng. Tỉnh Yên Bái cũng đã xây dựng được Quỹ khuyến học cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch lộ trình đăng ký phấn đấu xây dựng Cộng đồng học tập cấp huyện ở huyện Trấn Yên, Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO đối với thành phố Yên Bái.
Ghi nhận nhiều cố gắng trong triển khai đánh giá 5 mô hình khuyến học, Đoàn kiểm tra cũng cho rằng, Yên Bái cần quan tâm hơn đến đánh giá mô hình công dân học tập. Nhất là đánh giá trực tuyến và truyền thống, chú ý vận dụng theo Quyết định 324 khi Trung ương Hội chưa có hướng dẫn cụ thể.
Hội Khuyến học Yên Bái cũng cần tập trung quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển đổi số trong công tác Hội…
Trước đó, ngày 26/7, Đoàn kiểm tra đã có các buổi làm việc với Hội khuyến học huyện Trấn Yên, huyện Yên Bình và một số hội cấp xã thuộc 2 huyện.