Nhưng Công ty CP Him Lam cũng xin giữ lại 20% quỹ nhà dự án Him Lam Phúc Lợi để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án theo nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ.
Trước đó, Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời bảo đảm khả năng đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án.
Hơn nữa, căn hộ nhà ở xã hội phải được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn khép kín, bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội, bán, cho thuê, thuê mua đúng đối tượng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Trong đề xuất gửi tới Bộ Xây dựng, TP Hà Nội cho biết nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố giai đoạn sau 2020 rất lớn, lên tới khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,21 triệu m2 sàn nhà ở.
Về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án nhà ở Him Lam Phúc Lợi , theo TP Hà Nội, phù hợp với chuyển đổi dự án và đúng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Ngoài việc đề xuất chuyển đổi nhà thương mại, nhà tái định cư thuộc dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội. Thời gian qua TP Hà Nội cũng lên kế hoạch đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn.
Đó là khu nhà ở xã hội tập trung được xây dựng tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; 1 khu được xây dựng tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; 1 khu tại xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì; 1 khu tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; 1 khu tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.
Dự kiến 5 khu nhà ở xã hội tập trung này sau khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở vào quỹ nhà ở xã hội của TP Hà Nội.