COVID-19: Châu Á hạ nhiệt nhưng xuất hiện nhiều "vùng đỏ" mới

23/02/2023, 11:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(NLĐO) - Dữ liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy làn sóng COVID-19 đang có dấu hiệu dịch chuyển sau nhiều tuần chủ yếu bủa vây khu vực dịch tễ Thái Bình Dương: Có nước châu Âu tăng đến 149%.

Theo báo cáo mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 23-2, thế giới ghi nhận thêm hơn 5,28 triệu ca COVID-19 mới trong 28 ngày qua và thêm 48.691 người tử vong vì căn bệnh.

Về số ca mắc và cả số ca tử vong, khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương - cũng là khu vực Việt Nam được WHO xếp vào - vẫn "đầu bảng", chiếm lần lượt 43% và 41% số ca cả thế giới. Tuy vậy Tây Thái Bình Dương đã hạ nhiệt nhiều so với những tháng trước, khi làn sóng mạnh mẽ bủa vây một số quốc gia, nhất là Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc.

COVID-19: Châu Á hạ nhiệt nhưng xuất hiện nhiều vùng đỏ mới - Ảnh 1.

Bản đồ dịch tễ của WHO thể hiện tỉ lệ gia tăng số ca COVID-19 mới so với chu kỳ 28 ngày trước - Ảnh: WHO

Trong chu kỳ 28 ngày qua, Nhật Bản vẫn báo cáo số ca cao thứ nhì thế giới (hơn 1,09 triệu ca), nhưng đã là mức giảm tận 71% so với chu kỳ trước. Trung Quốc đứng thứ hai với 653.433 ca, giảm 98% so với chu kỳ trước. Hàn Quốc giảm 68% còn 430.042 ca.

Số ca tử vong do COVID-19 cũng giảm mạnh nhưng vẫn đủ để WHO "điểm danh" Trung Quốc và Nhật Bản: lần lượt là 9.945 ca và 6.536 ca chỉ trong vòng 28 ngày.

Toàn bộ khu vực này được WHO tô màu xanh lục (giảm) và xanh dương (giảm sâu) trong bản đồ thể hiện tỉ lệ số ca mắc mới của chu kỳ này so với chu kỳ trước, trong đó Việt Nam mang màu xanh dương.

Khu vực dịch tễ có số ca mắc lớn thứ 2 và 3 là châu Mỹ (1,62 triệu ca) và châu Âu (1,32 triệu ca). Tuy nhiên châu Mỹ đang thể hiện xu hướng giảm; trong khi một số nước châu Âu dường như bắt đầu làn sóng mới với số ca được báo cáo tăng vọt. 9/61 quốc gia trong khu vực dịch tễ này ghi nhận mức tăng trên 20%.

Trong đó WHO điểm danh 3 nước châu Âu tăng đặc biệt cao: Ba Lan (24.822 ca, tăng 149%), Nga (272.487 ca, tăng 110%) và Georgia (8.367, tăng 86%). Ngoài ra, bản đồ của WHO còn tô đỏ Cộng hòa Czech và Moldova, thể hiện mức tăng trên 50%. Ukraine, Áo... cũng tăng cao nhưng tỉ lệ ít hơn một chút, được đánh dấu bằng màu cam. Đức, Ý có số ca cao (329.229 ca và 119.336 ca) nhưng đang thể hiện xu hướng giảm.

Tại châu Mỹ, phần lớn số ca được báo cáo toàn khu vực đến từ Mỹ - hơn 1,113 triệu ca, cao nhất thế giới dù đã giảm 31% so với chu kỳ trước.

Các dòng tái tổ hợp "lấn sân"

Kết quả thống kê, phân tích 67.250 trình tự gien SARS-CoV-2 được tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID cho thấy trong tuần lễ thống kê thứ 5 của năm 2023, BA.5 và các hậu duệ đã không còn là nhóm biến chủng chiếm ưu thế lớn nhất trên toàn thế giới. Chỉ 35,3% các trình tự gien là BA.5 và các hậu duệ.

Nhóm biến chủng tái tổ hợp trở nên nổi trội hơn chu kỳ này với tỉ lệ 38,3%. Nổi trội là dòng tái tổ hợp XBB.1.5 với tỉ lệ 29,6% tính trên toàn bộ các trình tự.

BA.2 và các hậu duệ hiện chi còn chiếm 13,3% các trình tự.

Anh Thư
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19: Châu Á hạ nhiệt nhưng xuất hiện nhiều "vùng đỏ" mới