Cử nhân đi học nghề, tín hiệu vui của chuyển dịch nghề nghiệp

17/08/2023, 07:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày càng có nhiều những cử nhân quyết định sở hữu thêm bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận về đào tạo nghề.

Những “cựu cử nhân” sẵn sàng trở thành những tân học viên với đa dạng ngành nghề, từ làm bánh, nấu bếp, pha chế đồ uống, phục vụ khách sạn, nhà hàng, lễ tân, làm đẹp...

Học nghề sao phải ngại?

Chị Huỳnh Thị Ngọc Diệp (48 tuổi, sống ở Đà Nẵng) là một trong những sinh viên rất chăm học của ngành Chăm sóc sắc đẹp, Trường Cao đẳng Viễn Đông. Ở tuổi 44, chị muốn được học thật bài bản về lĩnh vực làm đẹp nhưng rất ít cơ sở đào tạo.

Vì vậy, dù Trường Cao đẳng Viễn Đông ở tận TPHCM, chị vẫn chấp nhận “đầu quân” vào học trong 2,5 năm. Hoàn thành chương trình, chị Diệp về Đà Nẵng tiếp tục công việc kinh doanh hóa mỹ phẩm, giảng dạy ngoại ngữ và đào tạo nghề chăm sóc sắc đẹp. Trước đó, chị đã tốt nghiệp hai trường đại học với chuyên ngành về ngoại ngữ và quản trị kinh doanh.

“Học nghề chăm sóc sắc đẹp rất hay, vì chỉ trong một ngành đào tạo mà tôi được học rất nhiều lĩnh vực như chăm sóc da, chăm sóc tóc, bấm huyệt, làm móng, nối mi, điều dưỡng, xoa bóp... Đây là những kỹ năng nghề tôi rất cần để bổ sung cho công việc của mình. Nhưng nói thật, học sinh bây giờ vẫn còn sai lầm trong suy nghĩ học dở thì mới vào trường nghề, rồi có tâm lý mặc cảm, xấu hổ khi học nghề. Thực ra, những ai thích kỹ năng, thích thực hành thì trường nghề là nơi rất tuyệt vời”, chị Huỳnh Thị Ngọc Diệp khẳng định.

Cách đây vài năm, chị Nguyễn Phương Anh (39 tuổi, làm việc tại TPHCM) cũng đã có được tấm bằng bếp trưởng tại Trường Hướng nghiệp Á - Âu. Trong thời gian học bếp trưởng, chị đăng ký học thêm các khóa ngắn hạn về làm bánh trung thu, bánh kem... Chị đã có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí - truyền thông sau khi tốt nghiệp cử nhân tại một trường đại học thuộc ĐHQG TPHCM.

Thời điểm quyết định đi học nghề là lúc chị Phương Anh gặp nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống. Học nghề bếp trưởng chỉ với ý định thử đổi nghề, thế rồi chị phát hiện bản thân có khiếu nấu ăn, dù trước đó chị chưa hề biết và cũng chưa hề trải nghiệm hay thấy thích nấu nướng. Càng học, chị càng thấy thú vị và khi đại dịch Covid-19 ập đến, nhờ nghề nấu ăn, chị đã giúp cả gia đình vượt qua khó khăn. Hiện tại, chưa có đủ vốn nên chị chưa mở được tiệm nhưng đây là dự định trong tương lai mà chị ấp ủ.

“Bây giờ dù nấu ăn là nghề tay trái nhưng lại giúp tôi rất an tâm về cuộc sống. Nấu ăn giúp tôi xả bớt căng thẳng. Khi suy nghĩ tích cực, mọi thứ sẽ ổn, dù gì mình đã có thêm nghề tay trái thì mọi căng thẳng sẽ được giải quyết. Có thêm một nghề thì áp lực trong công việc sẽ giảm đi một nửa”, chị Phương Anh vui vẻ chia sẻ.

Cử nhân đi học nghề, tín hiệu vui của chuyển dịch nghề nghiệp ảnh 1

Đào tạo ngành hướng dẫn du lịch tại Trường Trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist. Ảnh: NTCC

Chắc lý thuyết, vững thực hành - nhà tuyển dụng an tâm

Tại Trường Cao đẳng Viễn Đông (TPHCM), theo ước lượng của một giảng viên ngành Chăm sóc sức khỏe, có khoảng 5 trên tổng số 200 sinh viên của ngành này là những người đã tốt nghiệp đại học nhưng đăng ký học thêm kỹ năng nghề.

Bà Võ Thị Mỹ Vân - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist cho biết, những trường hợp cử nhân đi học nghề tập trung nhiều vào 3 ngành trung cấp nhưng thời gian đào tạo chỉ gói gọn trong 1 năm. Đây là các ngành quản lý và kinh doanh khách sạn; tiếp tân khách sạn; quản lý và kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Trung bình mỗi năm, trường có khoảng 100 học viên từng có bằng đại học. Đa phần những trường hợp này có định hướng việc làm cụ thể như học để khởi nghiệp, hoặc ra nước ngoài làm việc.

Trần Anh Tú, 25 tuổi vừa tốt nghiệp ngành tài chính của một trường đại học, đang theo học ngành lễ tân khách sạn tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (TPHCM). Chỉ còn vài tháng nữa là Tú sẽ hoàn thành chương trình học trung cấp đã được thiết kế gộp lại trong vòng 1 năm thay vì 2 năm như trước.

Lý do để Tú học trường nghề vì đây là chuyên ngành yêu thích và cảm thấy rất phù hợp. “4 năm học đại học cho em nhiều kiến thức và em hoàn toàn không thấy lãng phí gì cả. Em vẫn sẽ vận dụng được một số kiến thức tài chính vào trong lĩnh vực khách sạn vì sẽ liên quan đến tính toán”, Trần Anh Tú cho biết.

Bà Võ Thị Mỹ Vân cho biết, các trường hợp cử nhân đi học kỹ năng nghề, dù là ngắn hạn hay 1 năm hoặc 2 năm vẫn luôn được các doanh nghiệp chờ đợi để tuyển dụng, vì đây là những ứng viên “nặng ký”, họ vừa có trình độ, vừa có kỹ năng đồng thời có định hướng nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng.

Tìm giá trị mình trong công việc

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0

Jobway, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam Bách nghệ thực hành, cử nhân đi học nghề có nhiều nguyên nhân, một phần từ sức hút của các trường khi đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thực hành, một phần là do lâu nay công tác tư vấn, hướng nghiệp chưa được cá nhân hóa.

“Hướng nghiệp phải đi vào cá nhân hóa từng học sinh, còn hướng nghiệp chung chung ở sân trường thì chỉ mang yếu tố cung cấp thông tin sơ lược. Thầy, cô khi hướng nghiệp cần có định hướng dựa trên việc thấu hiểu năng lực, phẩm chất cá nhân của mỗi học sinh.

Việc hướng nghiệp cần có công cụ khoa học để giúp học sinh khám phá thế mạnh của bản thân mình. Cần có thêm những chương trình trải nghiệm ở đại học, cao đẳng, trường nghề để học sinh trải nghiệm trong một số ngày, từ đó giúp các em đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp chính xác hơn”, TS Đào Lê Hòa An kiến giải.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, hiện tượng cử nhân học nghề là biểu hiện của sự chuyển dịch nghề nghiệp. Xã hội đang có những thay đổi lớn, đặc biệt là sự phát triển công nghệ cùng với sự tích hợp của nhiều ngành nghề. Nghề nghiệp sẽ gắn với kỹ năng và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Nghề nghiệp không phù hợp hoặc lao động giản đơn sẽ bị hạn chế phát triển.

Chưa kể, hiện nay cũng là thời đại của khởi nghiệp kinh doanh, làm việc tại nhà, do vậy cũng là thời điểm nhiều cử nhân bắt đầu tìm lại năng lực, mơ ước của mình. Từ đó họ tìm cách học thêm nghề mới để thay đổi con đường nghề nghiệp hoặc bổ sung kỹ năng cho công việc hiện tại.

Ngoài ra, trong bối cảnh bị tác động, ảnh hưởng xấu bởi đại dịch Covid-19 và quá trình thay đổi công nghệ, nền kinh tế và các doanh nghiệp phải giải thể để tái cấu trúc, số lượng người bị thất nghiệp gia tăng, từ đó dẫn đến nhu cầu phải nâng cao giá trị nghề nghiệp trong mỗi người.

“Học tập ở thời đại này là học để đảm bảo có thực lực. Tạo dựng nghề nghiệp là một hành trình, phải đi từng bước một, để hoàn thiện chính mình, tìm ra những gì phù hợp mới tạo nên giá trị cá nhân. Giá trị nghề nghiệp của mỗi người là thứ mà thị trường lao động luôn chào đón, chứ không phải là bằng cấp”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử nhân đi học nghề, tín hiệu vui của chuyển dịch nghề nghiệp