Nếu bố mẹ không thể định hướng, không biết làm cách nào gỡ rối cho con mình hoặc trẻ gặp phải vấn đề tâm lý nặng nề, gia đình nên cần đến sự can thiệp, hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý.
Ảnh minh họa ITN. |
Nhận định học cách vượt qua thất bại là một quá trình, TS Thắm muốn nhắn nhủ với phụ huynh và học sinh cần chuẩn bị tâm lý trước mỗi kỳ thi, đặc biệt các kỳ thi quan trọng. Bố mẹ và con hãy dự báo các tình huống có thể xảy ra và thảo luận về phương án xử lý. Điều này giúp con đối diện với thất bại nhẹ nhàng hơn nhưng cũng vững tâm hơn trước kỳ thi.
Ngoài ra, phụ huynh cần nâng cao hiểu biết và thực hành chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con tại gia đình. Hoạt động này đã trở nên cấp thiết bởi hiện nay, vấn đề lo âu, trầm cảm của học sinh Việt Nam ngày càng gia tăng, thậm chí nhiều em đã chọn cách tự tử. Áp lực từ học tập và các kỳ thi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và chỉ khi con có biểu hiện nặng mới đưa đến tham vấn, trị liệu tâm lý.
Bà Thắm cũng lưu ý, trước hết phụ huynh hãy hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý ở từng lứa tuổi khác nhau để có cách ứng xử phù hợp với con. Đơn cử, trong giai đoạn cuối cấp 2 lên cấp 3, bố mẹ cần làm bạn với con vì giai đoạn này, trẻ đang có cái tôi cao và khát khao khẳng định bản thân. Thay vì ép buộc, áp đặt, việc định hướng linh hoạt, trao quyền và cho con được lựa chọn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Tiếp đó, bố mẹ cần giữ kết nối với con thông qua nhiều hoạt động gia đình như đi dã ngoại, chơi thể thao, tâm sự, chia sẻ với con như những người bạn... Thậm chí, nhiều lúc phụ huynh phải giả vờ không biết để cho con có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, có như vậy, con mới chủ động chia sẻ, góp phần tăng sự gắn kết giữa hai bên. Ngoài ra, phụ huynh hãy cùng con xây dựng những giá trị riêng của gia đình.
“Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em, trẻ vị thành niên cần được nhận thức quan tâm đúng đắn và được nuôi dưỡng trong quá trình dài hơi, liên tục. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ huynh hãy luôn tin tưởng vào con, lắng nghe, thấu hiểu với con là rất quan trọng”, TS Thắm chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Thắm cho biết hiện nay, các trường phổ thông đã xây dựng phòng tư vấn học đường. Dựa trên mô hình này, các cơ sở giáo dục có thể nâng cao nhận thức của phụ huynh về vấn đề sức khỏe tinh thần của con để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh tốt nhất, hạn chế các nguy cơ rủi ro đáng tiếc cho các em…
Phụ huynh hãy chỉ ra cho con điều con đã làm được, những bài học qua sự kiện lần này; từ đó hãy nhấn mạnh vào giá trị của con và không quy giá trị này cho điểm số hay kết quả xét tuyển. Phụ huynh truyền cho con hiểu được rằng “Mỗi trẻ em có giá trị riêng và dù có như thế nào thì con đã làm tốt nhất có thể theo cách riêng…”.