Em rơi vào trạng thái giằng xé giữa việc đi học thì mệt và không tập trung, nhưng nếu không đi học thêm theo ý kiến bố mẹ, hoặc bỏ học thì mất tiền và bố mẹ bất an. Đến các kỳ thi thử, nhiều môn học em không đạt kết quả như mong muốn khiến áp lực, căng thẳng tích tụ càng cao. Dần dần, học sinh này có dấu hiệu sợ trường học, cứ cầm đến sách vở, làm bài tập là con khó thở, tim đập nhanh, đổ mồ hôi tay và đau đầu chóng mặt.
Gia đình đưa con đến đánh giá tại Viện Tâm lý Giáo dục BrainCare thì phát hiện con bị rối loạn lo âu mức độ nặng. Sau hơn 3 tháng đồng hành cùng các chuyên gia tâm lý, hiện nay, em đã ổn định sức khỏe tinh thần, sẵn sàng để bước vào kỳ thi sắp tới.
Từ câu chuyện trên, chuyên gia cho rằng phụ huynh cần tìm hiểu, chấp nhận và tôn trọng năng lực của trẻ. Mỗi bạn có thế mạnh khác nhau nên bố mẹ hãy giúp con nhận ra và phát huy thế mạnh của mình.
Lắng nghe và thấu cảm giúp thí sinh vượt qua áp lực mùa thi. Ảnh: NVCC. |
Đồng thời, bố mẹ hãy tích cực trò chuyện, nói lời yêu thương để giúp con giải tỏa tâm lý. Tiếp đó, gia đình hãy xây dựng các hoạt động thư giãn, giải trí cùng nhau để kéo sự chú ý của con ra khỏi những cảm xúc tiêu cực.
Song song với đó, phụ huynh cần chú ý đến giấc ngủ, ăn uống, chế độ dinh dưỡng của các con. Việc thiếu chất dinh dưỡng hoặc không ngủ đủ giấc khiến bộ não không có thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi nên việc học tập sẽ trở nên khó khăn hơn. Về lâu dài, trẻ có thể gặp các vấn đề sức khoẻ tâm thần.
Do đó, bố mẹ cùng con lên thời gian biểu phù hợp trước các kì thi, cần linh hoạt cả hoạt động học tập và thư giãn. Tăng cường các kết nối giữa con với bố mẹ, với mọi người xung quanh và thiên nhiên.
TS Thắm đặc biệt lưu ý phụ huynh không để con tự giải quyết cảm xúc tiêu cực ở mức độ nặng vì lứa tuổi này khó có thể một mình vượt qua được. Thấy con có những biểu hiện cảm xúc, hành vi bất thường thì bố mẹ lắng nghe, chia sẻ cùng con và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý.
Đơn cử, chuyên gia đã từng gặp trường hợp học sinh sử dụng chất kích thích để giải tỏa áp lực học tập trước kỳ thi. Việc sử dụng các loại chất kích thích này gây suy giảm trí nhớ, suy giảm mức độ tập trung từ đó dẫn đến kết quả học tập giảm sút. Dần dần con bắt đầu lạm dụng chất kích thích và sẽ gây những vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh.
“Do đó, thời điểm này, phụ huynh hãy “bước vào” thế giới của con và đồng hành cùng con để con có thể vững tâm vượt qua kỳ thi phía trước”, TS Nguyễn Thị Thắm nói và lưu ý phụ huynh rằng “lắng nghe và thấu cảm” là chìa khóa để bố mẹ có thể hóa giải các vấn đề tâm lý của con trước kì thi.