Cùng thấu hiểu để tăng thêm sức mạnh

16/08/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều ý kiến tâm huyết, trăn trở được các nhà giáo chia sẻ, đề xuất tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong Chương trình gặp gỡ ngày 15/8.

Mong muốn những chính sách đặc thù

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Trường Mầm non xã Thanh Nưa, thuộc xã biên giới của huyện Điện Biên (Điện Biên) bày tỏ 5 khó khăn của giáo viên mầm non và mong muốn được Bộ trưởng quan tâm, tháo gỡ.

Cùng tham dự Chương trình có các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Nguyễn Văn Phúc; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các phòng GD&ĐT.

Thứ nhất: Theo quy định thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng thực tế thường làm việc ở trường từ 10 - 11 giờ/ngày. Trong công việc, do thiếu giáo viên nên có những lớp, một cô giáo phải nuôi dạy hơn 30 trẻ. Khó kể hết những nhọc nhằn của giáo viên mầm non, đặc biệt với giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, chế độ tiền lương của giáo viên mầm non chưa tương xứng với thời gian, công sức, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Thứ hai: Ở các trường mầm non thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, khoảng cách từ trung tâm đến điểm trường lẻ thường rất xa, có những nơi lên đến gần 50km, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ nguy hiểm đến tính mạng nhưng giáo viên dạy ở các điểm trường lẻ chưa có chế độ hỗ trợ đi lại khi về trung tâm trường để dự họp, sinh hoạt chuyên môn hàng tháng.

Thứ ba: Hiện nay quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non giống như các ngành nghề khác trong điều kiện lao động bình thường. Tuy nhiên, đặc thù tính chất công việc của giáo viên mầm non khá nặng nhọc nên độ tuổi nghỉ hưu quy định trên 55 tuổi chưa thực sự phù hợp.

Thứ tư: Điều kiện sinh hoạt, làm việc của giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các điểm trường lẻ vùng khó (thiếu nhà công vụ, nước sạch, chưa có điện…) mà giáo viên phải ăn ở, ngủ nghỉ tại điểm trường cả tuần, thậm chí cả tháng. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ thiếu nên giáo viên phải thường xuyên tự làm, huy động cha mẹ cùng làm.

Thứ năm: Đặc thù giáo dục mầm non miền núi có nhiều điểm trường lẻ, giao thông đi lại cách trở nhưng theo quy định hiện nay chỉ có tối đa 2 phó hiệu trưởng/trường nên khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo của các nhà trường.

Từ điểm cầu Hà Tĩnh, cô Dương Thị Thanh Hồng, Trường Mầm non 1, TP Hà Tĩnh chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và mong muốn được tháo gỡ kịp thời để góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Vấn đề khác được cô Hồng đề cập đó là bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với giáo viên mầm non. Theo quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của giáo viên mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3. Cô Hồng cho rằng như vậy bậc lương giữa hai cấp học quá chênh lệch. Trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Cô Hồng mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương giáo viên mầm non được tương quan với giáo viên các cấp học khác.

Từ điểm cầu Hậu Giang, cô Lý Thị Trinh Nguyên, Trường Mẫu giáo Hoạ Mi, thị xã Long Mỹ mong sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non như các trường chuyên biệt. Cô Nguyên cho rằng so với hiện tại, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác…

Theo cô Nguyên, mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay thấp so với công sức, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua nhiều giáo viên mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Do đó, mong Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ, giáo viên an tâm công tác.

Cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng gửi mong muốn về chính sách để đội ngũ nhân viên trường học yên tâm công tác tới Bộ trưởng.

“Đội ngũ nhân viên trường học có mức lương quá thấp, không có phụ cấp ưu đãi, thâm niên nên đời sống khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Đặc biệt với giáo viên ở khu vực có điều kiện thấp như ở Cà Mau…”, từ chia sẻ này, cô Ánh đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm, có chính sách lương hợp lý để đội ngũ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống…

Thầy Nguyễn Bá Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) mong muốn có sự quan tâm hơn nữa với giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ngày. Theo thầy Dũng, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường tiểu học cơ bản tổ chức dạy 2 buổi/ngày để đáp ứng tổ chức một số môn học bắt buộc mới như Ngoại ngữ, Tin học, Hoạt động trải nghiệm và các môn học tự chọn. Vì vậy, định mức 1,5 giáo viên/lớp theo quy định đối với trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày còn thấp, dẫn đến thiếu người làm việc.

Mặt khác tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định rất nhiều các nhiệm vụ kiêm nhiệm được giảm trừ tiết dạy nên định mức trên là thấp so với nhu cầu số người làm việc.

Thứ hai, nếu giữ nguyên quy định giảm định mức tiết dạy tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT thì Bộ GD&ĐT điều chỉnh định mức số lượng người làm việc được quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc tại cơ sở GDPT công lập. Đối với cấp tiểu học, cơ sở thực hiện dạy học 2 buổi/ngày bố trí định mức giáo viên là 1,7 giáo viên/lớp để đảm bảo đủ số người làm việc.

Để có chế độ tiền lương phù hợp đối với nhân viên thư viện, văn thư, y tế trường học, mong Bộ trưởng quan tâm, phối hợp với các bộ ngành đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ này yên tâm công tác.

Cùng thấu hiểu để tăng thêm sức mạnh ảnh 1
Cô Lưu Trương Kim Tuyền - Giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Lộ nêu tâm tư, từ điểm cầu Quảng Ngãi. Ảnh: Thế Đại

Tăng cường điều kiện dạy học, bảo đảm chuyên môn

Cô Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (Tân Phước, Tiền Giang) cho biết, bên cạnh những thuận lợi, công tác dạy và học của giáo viên còn một số khó khăn.

“Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung”, cô Duyên đề nghị và cho rằng cần có mức lương phù hợp hơn để giáo viên yên tâm công tác.

Trên tinh thần đó, cô Duyên kiến nghị: Để nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện có chất lượng việc đổi mới phương pháp dạy học, mong Bộ trưởng quan tâm, có giải pháp, chính sách hỗ trợ địa phương để các nhà trường được trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Cùng đó, mong muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55).

Cô Lưu Trương Kim Tuyền - Trường Tiểu học Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đại diện cho nhiều giáo viên tại Quảng Ngãi nêu 2 ý kiến mong Bộ trưởng quan tâm và có chính sách hỗ trợ địa phương.

Một là, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đảm bảo, nhất là các trường vùng cao, vùng sâu, xa, khó khăn. Hai là, lương và phụ cấp của nhà giáo thấp so với mặt bằng chung, dẫn đến tình trạng giáo viên khó yên tâm công tác; nhiều giáo viên bỏ việc. Cần có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập cho đội ngũ đảm bảo cuộc sống.

Đại diện cho nhà giáo tại điểm cầu TPHCM, cô Trần Thị Phương Thảo, Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú kiến nghị việc tổ chức các cuộc thi trong trường học hiệu quả.

Theo cô Ngọc, cần rà soát, sắp xếp lại các cuộc thi trong năm học, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết, thời lượng cuộc thi phù hợp giúp giáo viên, học sinh ở từng bậc có khả năng đầu tư tham gia mà không ảnh hưởng đến chuyên môn, thời gian học tập.

Cô Hoàng Thị Thu Hương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Hòa Bình, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) nêu mong muốn cần quy định cụ thể định mức tiết dạy để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên dạy liên cấp. Ngoài ra, quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, đối với môn Tiếng Trung các địa phương còn khó khăn vì thiếu sách giáo khoa, và mong Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc biên soạn sách để thực hiện hiệu quả chương trình. Mong Bộ sớm chỉ đạo các cục, vụ có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể định mức tiết dạy để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên dạy liên cấp.

Theo cô Hoàng Hải Vân, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Nha Trang (Khánh Hòa), 2 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS còn những bất cập. Cô Vân mong Bộ trưởng có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp. Bộ trưởng quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ giáo viên tham gia bồi dưỡng dạy học theo Chương trình GDPT mới…

Cô Bùi Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) đại diện đội ngũ nhà giáo tỉnh Thái Bình cũng bày tỏ hy vọng ngành Giáo dục có định hướng chiến lược, quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên, xây dựng tinh thần tâm huyết trách nhiệm trong công việc.

Đại diện cho giáo viên tỉnh Nghệ An, cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh) gửi tới Bộ trưởng nguyện vọng: Để giáo viên THCS dạy học tích hợp tự tin, hiệu quả hơn, đề nghị Bộ có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp giúp thầy cô ngày càng hoàn thiện chuyên môn.

Ngoài ra, ngành Giáo dục không thể quyết định được việc tuyển dụng để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên, tiền lương và phụ cấp để đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó, thu hút người giỏi trở vào nghề. Do đó mong muốn Bộ trưởng cho biết ngành Giáo dục có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này.

TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) đề xuất, ngoài bổ sung biên chế nhân viên tâm lý, Bộ GD&ĐT nên tập huấn các khóa giá trị sống, kỹ năng sống, tâm lý học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cả nước. Từ đó giải quyết được vấn đề về tâm lý trong các nhà trường. Thậm chí, nên đưa vào chương trình đào tạo của các trường đào tạo ngành Sư phạm. Điều này giúp các trường có cách tiếp cận mới về tâm lý giáo dục. Đây còn là cơ sở để thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cùng thấu hiểu để tăng thêm sức mạnh