Văn hóa

Cùng tiến về Sài Gòn

01/05/2025 21:03

Trong chiến dịch Xuân 1975, đơn vị tôi (Lữ đoàn 52, Quân khu V) là lực lượng dự bị nên ròng rã hơn hai tháng trời chỉ cố gắng đuổi theo tốc độ tiến quân của ta mà không hề phải nổ súng.

Xuất phát điểm là huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), từ 26/2 và điểm cuối là thành phố Sài Gòn (30/ 4/ 1975). Tàu hỏa chở chúng tôi qua các ga từ Ghềnh - Ninh Bình, Thanh Hóa, tới Vinh, đủ cho tôi thấy hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ. Tuy cuộc chiến này đã chấm dứt gần 2 năm nhưng chứng tích thì vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Các nhà ga đổ nát tan hoang. Nhiều đoàn tàu, toa xe, đầu máy... bị bom phá hủy, hất đổ ra xung quanh, trơ khung sắt han gỉ cùng mưa nắng. Ở nhiều ga dọc đường, những hố bom chỗ dày, chỗ thưa... Đất đá, tường nhà đổ ngổn ngang...

Khoảng nửa đêm, tàu chúng tôi đến ga Vinh. Ngoài vài đoàn tàu khác đang nằm chờ chuyến với một nhân viên nhà ga tay xách đèn hiệu le lói thì sân ga hoàn toàn vắng vẻ. Nhìn cuối ga thấy vài cột đèn đỏ.

Nghỉ lại tại một xóm nhỏ gần đó một ngày, hôm sau, chúng tôi lên xe qua Hà Tĩnh vào Quảng Bình. Phà sông Gianh, huyết mạch giao thông, một trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, đến bây giờ hai bên bờ vẫn còn ngổn ngang đất đá, hố bom.

Qua Đồng Hới rồi Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình, những cồn cát trắng mênh mông. Chỉ có vài rặng phi lao, những bụi sim, mua cọc cằn không đủ để dịu đi màu cát trắng nhức nhối dưới cái nắng chang chang. Nhìn phía xa thấy biển xanh mênh mông đang ào ạt sóng.

Chúng tôi đã qua mấy tỉnh miền Trung. Đúng là miền đất nghèo nhất cả nước. Đất đai cằn cỗi. Các thị trấn, thị tứ vừa bước qua chiến tranh, chưa kịp dọn hết đổ nát.

***

Chặng tiếp theo là tuyến đường Đông Trường Sơn, qua nhiều binh trạm từ Khe Sanh tới vùng rừng núi Tiên Phước (Quảng Nam). Ban đầu đơn vị đi bằng xe vận tải quân sự Giải phóng, zin ba cầu. Chúng tôi được trải nghiệm qua những chặng đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, khi thì luồn dưới những tán rừng rậm rạp, khi thì vượt ngầm, sông suối gập ghềnh. Xe mui trần nên chúng tôi tha hồ ngắm cảnh rừng núi Trường Sơn hùng vĩ…

cung-tien-ve-sai-gon-1.jpg
Binh nhất Trần Kế Hoàn. Ảnh chụp năm 1975 ở Củ Chi.

Mới xa miền Bắc không lâu mà đã ngấm nỗi nhớ nhà. Những đêm nghỉ tại các binh trạm chúng tôi mắc võng, nằm dưới mái tăng nghe côn trùng rên rỉ, nhớ quê đến nao lòng. Có đêm mưa nước chảy long tong. Tôi thò tay hứng những giọt mưa thánh thót, chợt giật mình nhớ tới mái tranh nhà mình, cha tôi ra sức quanh năm dặm dọi mà chả mấy khi hết dột. Chúng tôi thiếp đi trong nỗi nhớ miên man, trong tiếng tắc kè, tiếng con nai tác vào đêm khắc khoải.

Dọc đường, thi thoảng chúng tôi lại gặp một vài chiếc xe chở thương, bệnh binh hoặc những đoàn cán bộ ngược chiều ra Bắc. Cả hai bên đều hỏi nhau ríu rít. Những câu hỏi thăm trao đổi qua lại, đại loại như: Hà Nội đây, có ai Bắc Ninh không? Có ai Nam định không? Thủy Nguyên, Hải Phòng đây... Lúc này chỉ nghe đến những cái tên địa danh như thế lòng đã thấy nao nao ấm áp. Nhiều cuộc gặp gỡ thật cảm động của những người cùng làng, cùng huyện, hoặc là anh em họ hàng với nhau... đã diễn ra ở các binh trạm. Những cái ôm nghẹn ngào, những cái bắt tay nồng thắm.

Thời đó thư, từ hậu phương vào chiến trường hay bị thất lạc, có khi 3 tháng, 7 tháng, một năm... mới nhận được, thành ra những người lính xa nhà trong cơn nhớ quê quay quắt ấy thì việc gặp gỡ tân binh mới vào là nguồn thông tin vô cùng quý giá.

Những câu chuyện trao đổi nhanh giữa họ mà tôi nghe được chẳng hạn như mẹ của bác vẫn khỏe, ông Lâm mất được nửa năm rồi, con Mai nó lấy chồng năm ngoái, cô Hiền ở nhà học Trung cấp thú y về phụ trách chăn nuôi của hợp tác xã... Bác Việt nhà mày bị mảnh M79 cụt một chân rồi, đang ra sau đấy... Thôi thì đủ mọi chuyện trên trời dưới bể của hậu phương, tiền tuyến. Có những tiếng cười, có những tiếng xuýt xoa, có những đôi mắt ầng ậng nước... đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Có những đoạn đường cheo leo. Một bên là núi cao. Một bên là vực thẳm. Khi qua ngầm vượt một con sông ở A Lưới, Thừa Thiên Huế, ngước nhìn lên phía thượng nguồn, tôi giật mình khi thấy rất nhiều những cây cổ thụ chết khô vì chất độc dioxin từ nhiều năm trước mà cành lớn vẫn chưa chịu gục xuống. Chúng cứ trơ những bộ xương gan góc, chòng chọc chĩa lên trời như căm phẫn, như thách thức.

Qua A Lưới thì chúng tôi không được đi xe nữa, phải hành quân bộ sang rừng núi Quảng Nam. Đoạn đường này là đường mòn trong rừng. Chúng tôi được một nữ giao liên dẫn đường. Bây giờ trời mưa nhiều hơn. Khi thì trèo đèo, lúc thì lội suối. Đến các trạm giao liên, dừng nghỉ một đêm cho lại sức hoặc bổ sung lương thực, thực phẩm, hôm sau lại đi tiếp.

cung-tien-ve-sai-gon-2.jpg
Các chiến sĩ giải phóng quân dọc đường hành quân. Ảnh: Đỗ Ngọc Minh.

Khi qua những cánh rừng nhiều muỗi vắt, các chiến sĩ giao liên nhắc nhở để chúng tôi đề phòng bằng cách là hạn chế thấp nhất chạm người vào cây lá. Ai cũng sợ và cẩn thận thế mà khi qua, ai cũng bị vài con vắt chui vào trong cổ, nách... Có con hút máu no tròn to như ngón tay, lăn ra chúng tôi mới biết.

Sau bốn ngày luồn rừng như thế chúng tôi đến điểm tập kết giao quân thuộc huyện Tuy Phước (Quảng Nam).

***

Đồng chí phụ trách đoàn cán bộ nhận quân là Trung tá, chính ủy Lữ đoàn 52. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ giao quân, đồng chí ấy nói: “Tình hình chiến sự trên các chiến trường đang rất thuận lợi cho ta. Hiện nay, lữ đoàn ta là lực lượng dự bị cho hướng tấn công của Quân đoàn 4. Các đồng chí về để bổ sung cho quân số thiếu hụt của đơn vị. Đảm bảo cho đơn vị đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam...”.

Bây giờ đã là cuối tháng 3/1975. Quân ta đang thắng lớn ở Tây Nguyên. Các tỉnh Thừa Thiên Huế rồi Quảng Nam, Đà Nẵng lần lượt được giải phóng. Quốc lộ 1 đang thông dần. Chiến sự diễn biến từng giờ. Nhiệm vụ của lữ đoàn là phải bám sát đơn vị tiền phương nên không có lí do gì không hành tiến theo Quốc lộ 1. Thế là vào ngày 28/ 3/ 1975 tôi cùng đơn vị hành quân bộ theo con tỉnh lộ 40B tràn xuống thị xã Tam Kì mới được giải phóng.

***

Có một cây cầu nào đó trên Quốc lộ 1 bị đánh sập nên ở thị xã Tam Kì 2 ngày thì chúng tôi được lên tàu thủy và tàu đánh cá của dân chở xuôi sông Tam Kì sang sông Trường Giang rồi vượt lên sân bay Chu Lai là một cảng hàng không quân sự của quân lực Việt Nam Cộng hòa, thuộc huyện Núi Thành. Hành quân bộ dọc theo sân bay, chúng tôi chứng kiến sự khổng lồ của khí tài quân sự mà Mỹ đã đầu tư trang bị cho Việt Nam Cộng hòa. Đi hơn 2 giờ mới ra khỏi sân bay. Nhà xưởng, kho bãi, pháo đài quân sự, doanh trại của lính... đều được xây dựng kiên cố, hiên đại. Hàng mấy trăm chiếc xe quân sự GMC còn nguyên vẹn để trong những bãi đỗ rộng bạt ngàn.

Từ đây đến Sài Gòn còn chừng 800 km. Chúng tôi phải đi bộ chừng một ngày nữa thì được đi xe vận tải GMC hoặc xe đò của các công ty vận tải tư nhân vận chuyển. Ngày 31/3/1975 ta giải phóng Bình Định. Ngày 1/4 chúng tôi lên xe vượt qua Quảng Ngãi.

Tới An Nhơn, Bình Định chúng tôi đừng chân nghỉ lại vài ngày. Khi các tỉnh phía trước chưa giải phóng, chúng tôi tản ra nghỉ nhờ trong nhà dân ở các thôn ấp. Người dân chất phác, hiền lành. Ban đầu họ rất sợ. Khi tôi vào hỏi thăm một cụ già đang ốm nằm trên giường, cụ sợ quá, bò dậy chắp tay lập cập: “Con lạy ông ạ”. Tôi vội đỡ cụ nằm xuống và trổ hết tài dân vận của anh lính Cụ Hồ để giải thích cho cụ hiểu. Chúng tôi giúp bà con phơi thóc, thu hoạch lúa, quét nhà... Nhiều nhà có người là lính Cộng hòa sợ bị Việt cộng trả thù. Chúng tôi lại giải thích chính sách đối với tù hàng binh của quân Giải phóng.

cung-tien-ve-sai-gon-4.jpg
Các cựu chiến binh, từ trái qua: Thiếu úy Trần Kế Hoàn, Trung tá Trần Như Hoàn và Thượng sĩ Đỗ Ngọc Minh (Lữ đoàn 52, Quân khu V). Ảnh: NVCC.

Cô con gái mới lớn trong nhà, ngày đầu còn sợ trốn, ngày hôm sau đã sán đến mấy chú giải phóng quân hỏi chuyện miền Bắc. Mấy má vừa móm mém nhai trầu vừa khen mấy anh Việt cộng chăm làm hơn con gái. Có má còn bạo mồm nhận con rể nữa. Hoa trái vườn nhà các má mời chúng tôi thoải mái. Hôm chúng tôi lên xe tạm biệt, bà con bịn rịn tiễn chân. Cô gái trẻ kia mắt đỏ hoe.

Ở các vùng nông thôn đều chưa có nhà vệ sinh. Việc đầu tiên khi đơn vị dừng chân tại các thôn ấp là làm nhà vệ sinh. Chúng tôi đào những cái hố ngoài vườn rồi phủ đất, để một lỗ nhỏ, xung quanh che lá dừa, thế là xong một cái “toilet” dã chiến.

Chặng hành quân từ An nhơn về Tuy Hòa (Phú Yên) và Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, tiểu đoàn tôi được xe đò đưa đón. Mỗi trung đội lên một xe. Tôi rất thích nằm trên nóc xe nên chờ cho anh em vào ghế hết là tôi trèo lên luôn. Ở vị trí này thị giới mở rộng hết cỡ, tha hồ ngắm nhìn phong cảnh dải đất miền Nam Trung bộ. Đó là những rừng dừa bao la, những cánh đồng mía bạt ngàn, những vườn cây trái xum xuê...

Qua dòng chữ quảng cáo trên thân xe tôi biết đây là xe của nhà xe Phi Long. Rất nhiều nhà xe khác nữa cũng góp xe, góp cả tài xế để giúp bộ đội hành quân. Tôi quan sát những người dân reo hò chào đón, những người dân lo sợ trầm tư... Có vợ chồng bác tài chở chúng tôi rất tự nhiên. Cả hai mái tóc đều đã đốm bạc nhưng cứ đến những chỗ giải lao, người vợ thường để cho chồng gối đầu lên đùi mình ngủ. Còn bà tỉ mẩn bới tìm nhổ những sợi tóc bạc trên đầu chồng rất cần mẫn. Hình ảnh thanh bình và lãng mạn này làm tôi và nhớ mãi.

Những ngày cuối tháng Tư, tốc độ chiến dịch nhanh hơn nên chúng tôi không thể ở đâu được lâu. Ở Tuy Hòa lâu nhất cũng chỉ một tuần.

Ngày 14/4 giải phóng Bình Thuận. Ngày 26/4 giải phóng Ninh Thuận. Chúng tôi lên xe đi gấp cho kịp tiến độ của chiến dịch. Ngày 27/4 tới Long Khánh thì phải dừng vì phía trước là Biên Hòa, Xuân Lộc chiến sự đang rất khốc liệt.

Đại đội tôi nghỉ tại ấp Trần Hưng Đạo ở giữa một rừng cao su. Dân bỏ nhà chạy hết. Các nhà ở và những cửa hàng buôn bán hàng hóa bị tàn binh của lính Cộng hòa lục lọi đổ vỡ lung tung. Thấy chúng tôi đến, họ dạt sang các nhà bên cạnh. Có buổi chiều, tôi cùng đến một cái giếng tắm chung với hai thanh niên to béo. Qua trao đổi họ cho biết họ là bộ binh của quân lực Việt Nam Cộng hòa, đóng quân ở miền Trung. Quê họ ở Long An và Hà Tiên. Đơn vị tan rã hết rồi. Về tới đây, kẹt đường, đành dừng lại chờ.

Trong một nhà máy sơ chế cao su vẫn còn công nhân. Chắc là tiếc những thùng mủ cao su đang chế biến dang dở nên họ quyết tâm ở lại. Chẳng biết các đồng chí cán bộ tiểu đoàn thế nào lại liên hệ với nhà máy cho đơn vị vào tham quan. Thế là sáng 29/4, khi chiến sự phía trước và xung quanh Sài Gòn vẫn đang quyết liệt, cả tiểu đoàn xếp hàng một vào tận các dây chuyền đang sản xuất của nhà máy.

Sau 11 giờ 30, ngày 30/4/1975 cả đơn vị vỡ òa sung sướng khi nghe tin chiến thắng. Chúng tôi lên xe hướng vào Sài Gòn. Biên Hòa, Xuân Lộc đã im tiếng súng nhưng khói lửa còn nghi ngút. Thỉnh thoảng gặp xác xe tăng, xe bọc thép còn đang bốc cháy. Xác người của cả ta và địch còn đang rỉ máu. Xe của chúng tôi cứ lách chướng ngại vật mà đi.

Chừng 2 giờ sau, những chiếc xe đi đầu của lữ đoàn đã gần đến dinh Độc Lập. Các ngả đường quanh dinh chật kín xe quân Giải phóng. Lệnh trên liền điều lữ đoàn về tiếp quản Quận 10. Thế là chúng tôi lại quay xe. Khi tiểu đoàn tôi tới điểm tiếp quản là Trường Tiểu học Cộng đồng Bắc Hải thì vừa chập tối.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cung-tien-ve-sai-gon-post729275.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cung-tien-ve-sai-gon-post729275.html
Bài liên quan
Giới trẻ rộn ràng 'bắt trend' tháng Tư lịch sử
Giới trẻ đang "bắt trend" tháng Tư hướng về 50 năm ngày thống nhất đất nước với lòng tự hào dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cùng tiến về Sài Gòn