Sau khi đồng ý, bị cáo Sơn được trợ lý của bà Nhàn mua vé máy bay để sang Dubai. Khi vừa xuống sân bay thì được một người đón về ở tại căn phòng thuê từ trước. Ngay sau đó, người này lập tức bị thu điện thoại của bị cáo Sơn.
"Sang Dubai tôi không đi học gì để làm thành phố thông minh mà chỉ ở phòng, không được đi đâu như giam lỏng, lúc này tôi mới nhận ra mình bị lừa. Đến ngày 22/6/2022, tôi về nước đầu thú", bị cáo Sơn nói tại phiên tòa.
Nhận thức được hành vi của mình, thấy việc mình làm là sai. Nói trước toà, Sơn cũng gửi lời khuyên các bị cáo khác còn đang bỏ trốn thì nên trở về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sử dụng chiêu bài cũ khi chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các cá nhân tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế trực thuộc Sở Y tế (chủ đầu tư), Sở Y tế, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, tổ chức cho các "quân xanh, quân đỏ" đấu thầu để trúng 6 dự án.
Dưới sự chỉ đạo, dàn xếp của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC đã trúng thầu 6/6 gói thầu của dự án mua sắm trang thiết bị cho BV Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu, tổng trị giá hơn 206 tỉ đồng, Công ty Mopha đứng tên trúng 2 gói thầu, tổng trị giá hơn 25,5 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định giá trị trang thiết bị 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán (số tiền hơn 237,3 tỉ đồng) có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn 15 thiết bị khác trị giá 9,898 tỉ đồng không định giá được do không thu thập được thông tin.
Theo VKSND Tối cao, dù các bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài nhưng vẫn có đủ căn cứ để xét xử.