Cựu nhà giáo xây thư viện hơn 1.000 đầu sách cho học sinh

Toán - Đức | 11/05/2022, 23:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xây dựng thư viện Trí Minh với hàng nghìn đầu sách, một cựu nhà giáo muốn gửi đến học sinh điều tốt đẹp, mong muốn các thế hệ học sinh vững vàng về tri thức, giàu có về hiểu biết…

Cô Lê Thị Nhung cùng học sinh Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đọc sách tại thư viện.Cô Lê Thị Nhung cùng học sinh Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đọc sách tại thư viện.

Hàng nghìn đầu sách đến tay học trò

Sinh thời, nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho”.

Cũng bởi vì nhận thấy tầm quan trọng của sách, mà khi về hưu, ông Nguyễn Hữu Ngôn – nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa đã nhen nhóm ý tưởng: Xây dựng thư viện sách trong trường học để bồi đắp tri thức cho học trò.

Sau nhiều tháng, ý tưởng ấy đã được hiện thực hóa tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Đây cũng là ngôi trường mà cựu nhà giáo Nguyễn Hữu Ngôn từng giảng dạy trong giai đoạn từ năm 1990 đến cuối năm 1998, trước khi chuyển công tác về NXB Thanh Hóa.

Thư viện với hơn 1.000 đầu sách trị giá khoảng 100 triệu đồng được ra mắt vào dịp cuối tháng 4 vừa qua, nhân dịp Trường THCS Như Bá Sỹ hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022.

Không giấu niềm vui, ông Ngôn hồ hởi chia sẻ: “Tôi xem sách là tài sản vô cùng quý giá. Tuy nhiên, nếu giữ tài sản ấy cho riêng mình cũng tốt, nhưng chi bằng chia sẻ điều quý giá ấy cho cộng đồng, thì tri thức mà sách đem lại sẽ tăng lên theo cấp số nhân.

Thật may là ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của Ban giám hiệu Trường THCS Nhữ Bá Sỹ cùng sự chung tay hỗ trợ nhiệt tình từ nhiều cựu học sinh (HS) các khóa mà tôi từng dìu dắt.

Chúng tôi quyết định đặt tên cho thư viện là Trí Minh, có nghĩa là trí tuệ sáng láng. Khi con người có trí tuệ minh mẫn, sáng láng thì làm việc gì cũng thành công”.

Cựu nhà giáo Nguyễn Hữu Ngôn (bìa phải) cùng thầy Lê Đăng Thành (bìa trái) trong ngày ra mắt thư viện Trí Minh.

Theo ông Ngôn, quá trình xây dựng và hoàn thành thư viện Trí Minh sẽ trải qua 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, ông Ngôn đã sưu tầm hơn 1.000 đầu sách, bao gồm nhiều thể loại khác nhau, cụ thể: Các đầu sách về biển đảo, sách địa phương, tài liệu tham khảo, truyện tranh, truyện thiếu nhi… phục vụ nhu cầu đọc và nghiên cứu của giáo viên, học sinh nhà trường.

Ngoài ra, nhiều thế hệ học sinh do cựu nhà giáo dìu dắt cũng hỗ trợ cho nhà trường 7 tủ đựng sách. Tổng số tiền mà cựu học sinh các khóa chung tay hỗ trợ với ông Ngôn để xây dựng thư viện là hơn 30 triệu đồng.

“Ở giai đoạn tiếp theo, tôi dự định sẽ đầu tư, kêu gọi hỗ trợ khoảng 2.500 đầu sách cho nhà trường. Thông qua sự kiện này, tôi mong muốn chuyển tải đến các em học sinh thân yêu thông điệp: Mỗi ngày đến trường học một điều hay.

Các em hãy vững vàng về tri thức, giàu có về hiểu biết và thành thạo mọi kỹ năng để hòa nhập vào thế giới rộng lớn với nhiều thay đổi nhanh chóng tích cực”, ông Ngôn bộc bạch.

Được biết, năm 2017 cựu nhà giáo Nguyễn Hữu Ngôn cũng từng xây dựng thư viện nhân ái “Thiên Thanh” tại chùa Mun (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Thư viện có khoảng gần 1.000 đầu sách với thể loại chủ yếu về Phật giáo và văn hóa phục vụ phật tử và người dân địa phương.

Thư viện của Trường THCS Nhữ Bá Sỹ có tới 4.000 cuốn sách, với trên 2.000 đầu sách, gồm nhiều thể loại.

Bồi đắp tri thức

Thầy Lê Đăng Thành – Hiệu trưởng Trường THCS Nhữ Bá Sỹ cũng bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi thư viện của nhà trường được bổ sung thêm nhiều đầu sách, phong phú về thể loại.

“Nhà trường đã có thư viện rồi, song với mong muốn tốt đẹp của thầy Ngôn, nên nhà trường rất hưởng ứng. Với hơn 1.000 đầu sách được thầy trao tặng cùng số lượng sách đã có của nhà trường, hiện tại thư viện đã có trên 2.000 đầu sách và khoảng 4.000 cuốn”, thầy Thành chia sẻ.

Theo thầy Thành, không chỉ cán bộ, GV nhà trường mà các em học sinh đều vô cùng hào hứng. “Với sự phong phú về đầu sách sẽ giúp giáo viên nhà trường tham khảo, tích lũy thêm kiến thức, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Đối với các em, thư viện sẽ là nơi giúp các em bồi đắp tri thức và giải tỏa căng thẳng sau giờ học”, thầy Thành nói.

Hiệu trưởng Lê Đăng Thành cho biết, thời gian tới nhà trường dự kiến sẽ thành lập thư viện điện tử, để phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc của giáo viên, học sinh. Đồng thời, nếu có đủ điều kiện sẽ xây mới thư viện để đáp ứng tối đa về chỗ ngồi đọc sách cho thầy, cô và học trò.

Trường THCS Nhữ Bá Sỹ hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022.

Cũng theo thầy Thành, nhân dịp nhà trường hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 hôm 29/4 vừa qua, Thư viện tỉnh Thanh Hóa cũng đã trao tặng sách với trị giá khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, một cựu HS cũng hỗ trợ 15 triệu đồng giúp nhà trường bổ sung đêm các đầu sách mới.

Cô Lê Thị Dung – Trường THCS Nhữ Bá Sỹ chia sẻ: “Là giáo viên dạy Văn, tôi rất hưởng ứng khi nhà trường tạo thêm các tủ sách phục vụ nhu cầu đọc và nghiên cứu cho thầy cô, học sinh.

Bản thân tôi cũng mong muốn nhân rộng mô hình này thông qua việc trao tặng sách cho thư viện trường. Với học sinh, khi được tiếp xúc các đầu sách mới, sẽ giúp các em mở mang tầm hiểu biết, bởi sách là tài sản vô giá với con người”.

Hắc Ngọc Mai Linh (lớp 7C, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ) bày tỏ: “Em rất hứng thú khi nhà trường bổ sung đêm các đầu sách mới. Thời gian tới, chúng em có thể tranh thủ giờ giải lao để vào thư viện đọc sách, tham khảo và mở rộng kiến thức. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào đọc của nhà trường”.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu nhà giáo xây thư viện hơn 1.000 đầu sách cho học sinh