Đại gia tuần qua: Đại gia Trầm Bê làm gì sau khi ra tù?

10/06/2023, 16:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây, Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An đã bầu ông Trầm Bê (sinh năm 1959) làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027, với tỷ lệ tán thành suýt soát 99%.

Đại gia Trầm Bê ngồi ghế hội đồng quản trị bệnh viện

Như vậy, đại gia Trầm Bê quay lại thương trường sau khi hoàn thành thi hành 2 bản án hình sự, với tổng cộng 7 năm tù.

Trước đó, ông Trầm Bê là người sáng lập và Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An. Sau đó, ông Trầm Bê đã rời khỏi các vị trí lãnh đạo tại bệnh viện này sau khi vướng vòng lao lý bởi vụ án tại Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) năm 2017.

Đại gia tuần qua: Đại gia Trầm Bê làm gì sau khi ra tù? - 1

Đại gia Trầm Bê

Bệnh viện Triều An thành lập năm 1999, cũng là một trong những bệnh viện tư nhân đa khoa đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2001 bệnh viện này đi vào hoạt động với vốn điều lệ 490 tỷ đồng. Số vốn này được góp vốn bởi ông Trầm Bê, Công ty CP Xây dựng Bình Chánh và ông Lưu Trung Lương - một doanh nhân gốc Hoa.

Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2013 - 2020, Bệnh viện Triều An vẫn đều đặn duy trì doanh thu hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhưng đến năm 2021, do dịch bệnh kéo dài, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lao dốc với lần đầu tiên báo lỗ 27 tỷ đồng. Đến năm 2022, bệnh viện đã có lợi nhuận trở lại với 41 tỷ đồng.

Ngân hàng có chủ tịch "soái ca" chuẩn bị tăng vốn lên gần 39.000 tỷ đồng

Ngày 7/6, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB vừa có báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết và thay đổi vốn điều lệ.

ACB phát hành 506.615.264 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 qua đó nâng tổng số cổ phiếu lưu hành từ 3.377 triệu cổ phiếu lên 3.884 triệu cổ phiếu. Tương đương vốn điều lệ tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Đại gia tuần qua: Đại gia Trầm Bê làm gì sau khi ra tù? - 2

Chủ tịch "soái ca" Trần Hùng Huy của ACB

Trước đó, ACB đã thông báo 2/6/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền và cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện trả cổ tức bằng tiền là 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Với gần 3.377 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ACB sẽ phải chi ra hơn 3.377 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Ngày thanh toán dự kiến là 12/6/2023.

Về phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, ACB dự kiến phát hành hơn 506,6 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tương đương 5.066 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện là 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2022.

Kết thúc quý I/2023, ACB báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý I/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023.

Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận lượng tiêu thụ thép tăng

Tháng 5/2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 565.000 tấn thép thô, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với tháng 5/2022 nhưng tăng 16% so với tháng 4 vừa qua. Trong đó, thép xây dựng Hòa Phát đạt 284.000 tấn, giảm 27% so với tháng 5 năm trước nhưng tăng 33% so với tháng 4/2023. Trong khi đó, thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 243.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu  đóng góp 55%, chủ yếu tới thị trường châu Âu, châu Á.

Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép và tôn mạ của tập đoàn đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Ống thép đạt trên 57.000 tấn, tăng 12%, tôn mạ các loại cung cấp 34.000 tấn cho thị trường trong và ngoài nước, tăng gấp đôi so với tháng 5/2022.

Bên cạnh tín hiệu khả quan từ nhu cầu tiêu thụ, giá thép thế giới cũng đang vận động theo xu hướng tích cực hơn sau khi thủng đáy vào cuối tháng 5. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã hồi phục khoảng 5% trong hơn 2 tuần qua lên mức 3.670 CNY/tấn. Dù vậy, mức giá này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với thời điểm cuối quý 1.

Làm ăn phát đạt, đại gia dược mạnh tay chi tiền cho cổ đông

CTCP Dược phẩm Hà Tây vừa thông báo ngày 26/6 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ khủng 180% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 180 cổ phiếu mới). Ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là ngày 25/6.

Theo đó, Công ty dự kiến sẽ phát hành hơn 47,5 triệu cổ phiếu với tổng tổng giá trị cổ phiếu phát hành hơn 475 tỷ đồng. Nếu thành công, dự kiến vốn điều lệ của Dược Hà Tây từ 264 tỷ đồng sẽ được nâng lên hơn 739 tỷ đồng.

Đại gia tuần qua: Đại gia Trầm Bê làm gì sau khi ra tù? - 3

Dược phẩm Hà Tây làm ăn khá tốt trong năm 2022 và quý 1 năm nay

Năm 2022, Dược phẩm Hà Tây kinh doanh khá khởi sắc khi thu về 1.837 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 99 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 39% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi cao nhất kể từ khi đi vào hoạt động mà Dược Hà Tây đạt được.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 , Dược Hà Tây ghi nhận doanh thu đạt hơn 499 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 34 tỷ đồng, tăng 39% so với quý 1/2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại gia tuần qua: Đại gia Trầm Bê làm gì sau khi ra tù?