Bên cạnh các ngành học truyền thống, các trường đại học tập trung nguồn lực mở ngành mới đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.
Trường ĐH Trà Vinh thời gian qua đầu tư các ngành đặc thù, mở rộng ngành mới theo hướng đa dạng hóa gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương và khu vực.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Trà Vinh, với tốc độ tăng trưởng mạnh, tiềm năng phát triển,nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành Logistics hiện nay và trong những năm tới được dự báo ngày càng tăng trưởng.
Trường ĐH Trà Vinh đã thành lập Trung tâm Đào tạo Logistics và Thương mại điện tử nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết phát triển nguồn nhân lực logistics ở ĐBSCL. Đây là bước đi tiên phong của nhà trường trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực trong ngành logistics hiện nay.
Đặc biệt, trường tập trung đầu tư, phát triển nhân lực chất lượng cao về năng lượng, điện, cảng, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học sức khỏe, kinh tế, du lịch, công nghệ sinh học, quản lý môi trường… Đồng thời, nhà trường gắn kết với doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh thực hiện đào tạo theo địa chỉ, đặc biệt mở rộng chương trình đào tạo Co-op - mô hình đào tạo đặc thù của nhà trường.
Trường ĐH Cần Thơ tập trung nguồn lực cho định hướng nghiên cứu công nghệ cao, tự động hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Định hướng trên nhằm đưa Trường ĐH Cần Thơ thành cơ sở giáo dục ứng dụng các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý. Nhà trường tiếp tục phát triển cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ngoài trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và vùng khác.
Theo lãnh đạo nhà trường, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước, yêu cầu thực tế cũng như vị trí việc làm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trường mạnh dạn đề xuất và mở mới các chương trình đào tạo nêu trên. Những ngành này đáp ứng nhu cầu việc làm trong 5 - 10 năm tới. Chương trình đào tạo cũng được xây dựng với sự góp ý của các chuyên gia và nhà tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trường ĐH Cần Thơ vừa thành lập 4 trường (Trường Bách khoa; Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông; Trường Kinh tế; Trường Nông nghiệp). Theo GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, với mô hình trường chuyên ngành, việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh hơn, tăng vai trò chủ động sáng tạo ở cấp dưới, tạo động lực phát triển đến từng giảng viên. Các trường chuyên ngành sẽ xây dựng chiến lược phát triển gắn với thế mạnh của mình để phục vụ cộng đồng…