"Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Thực tiễn cho thấy nếu có Quỹ phòng thủ sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra"- ông Bình nhấn mạnh.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự. Ảnh: Phạm Thắng
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết trong dự thảo luật đưa ra 2 phương án về Quỹ Phòng thủ dân sự, Chính phủ chọn phương án 1.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, từ thực tiễn đại dịch COVID-19, cho thấy rất cần thiết phải có quỹ. Thời điểm dịch bùng phát, Bộ Quốc phòng được giao nhiều nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương, trong tình huống dịch lây lan "ngoài khả năng chống chịu của các vùng đó".
Với nhiệm vụ được giao, lực lượng quân đội đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến với số giường lớn trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
"Có Bộ trưởng nói với tôi thành lập một bệnh viện dã chiến 300 giường nhưng cực kỳ khó, có những trang thiết bị phải mua hàng chục tỉ đồng mà lúc này không mua được. Lúc này, quân đội không phải mua gì mà chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, thành lập bệnh viện dã chiến lên tới 1.000 giường" - Đại tướng Phan Văn Giang cho biết.
Bên cạnh đó là công tác khử khuẩn, đưa người dân ra khỏi vùng dịch, khoanh vùng, cách ly, hay vận chuyển vắc-xin COVID-19 đến các vùng khó khăn về giao thông đều được thực hiện thông suốt nhờ có sự chuẩn bị từ trước về nguồn lực, vật lực, nhân lực.
Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng Quỹ cần có trước, chuẩn bị từ sớm, từ xa để chủ động trong mọi tình huống. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ giao Bộ Tài chính quản lý như Quỹ vắc-xin COVID-19 thời gian qua.