Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, để bảo đảm tính khách quan và sát thực tiễn giáo dục ở địa phương, năm nay việc lựa chọn SGK còn sự tham gia góp ý của đại diện Hội cha mẹ học sinh ở các nhà trường.
“Việc phụ huynh học sinh tham gia nghiên cứu bản mẫu SGK, góp ý trực tiếp cho các tổ bộ môn sẽ là dịp để các nhà trường đánh giá một cách khách quan, sát với điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh. Từ đó, làm cơ sở để lựa chọn 1 bộ SGK phù hợp với học sinh”, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin.
Trước đó, để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và nắm chắc nội dung các bản mẫu SGK do các NXB cung cấp, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã phối hợp triển khai 2 đợt giới thiệu SGK các lớp 3, 7 và 10 theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu Sở GD&ĐT, các NXB và các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, Sở yêu cầu đại diện các NXB, tổng chủ biên, chủ biên, tác giả các bộ SGK đã trực tiếp giới thiệu các bản mẫu phụ vụ cho việc thay SGK năm học 2022-2023 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT.
Dự kiến, năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Lắk sẽ có 98.962 học sinh các lớp 3, 7 và 10, trong đó: lớp 3 là 38.970 em; lớp 7 là 30.756 em và lớp 10 là 29.236 em. Để thực hiện hiệu quả việc dạy học SGK mới, các đơn vị, trường học cũng đã dự kiến sắp xếp 8.457 giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp 3, 7 và 10, trong đó: lớp 3 là 1.970 giáo viên, lớp 7 là 4.015 giáo viên và lớp 10 là 2.472 giáo viên.