Ông Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng phòng Quản lý chất lượng - CNTT, Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cũng cho biết, không có khó khăn trong việc đăng ký dự thi trực tuyến vì cơ sở vật chất và nhân lực luôn sẵn sàng. Thầy Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) cũng có quan điểm tương tự vì sau thời gian dài học trực tuyến, không chỉ nhà trường mà học sinh cũng đã trang bị được thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh) để thực hiện các nhiệm vụ phải thao tác trên môi trường mạng.
Hạn chế thấp nhất sai sót
Một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu trong đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là thông tin phải bảo đảm chính xác trong Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT; đặc biệt là thông tin về diện ưu tiên để được cộng điểm (nếu có). Theo thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), sau khi nhập thông tin nên in ra để gửi đến từng học sinh rà soát, đối chiếu và sửa luôn nếu có sai sót. Việc này có thể làm từ 2 - 3 lần để bảo đảm không còn sai sót.
Trong lịch công tác Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có quy định rõ thời gian kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh, bàn giao danh sách thí sinh đăng ký dự thi và Phiếu đăng ký dự thi, hoàn thành trước ngày 27/5. Chia sẻ điều này, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho biết, việc rà soát hồ sơ của học sinh được Trường THPT Trần Đại Nghĩa thực hiện rất kỹ lưỡng. Theo đó, giai đoạn này, khi chuẩn bị cho học sinh thi cuối kỳ, giáo viên chủ nhiệm sẽ rà soát, đối chiếu hồ sơ gốc với thông tin của thí sinh trên hệ thống. Sau đó, sẽ tiến hành kiểm tra chéo giữa các lớp. Nhà trường còn có đường dây nóng (số điện thoại lãnh đạo trường, cán bộ phụ trách thông tin) để học sinh liên hệ khi cần hỗ trợ, chỉnh sửa thông tin. “Như mọi năm, những sai sót của học sinh không nhiều; nếu có thì thường liên quan đến thông tin cá nhân của học sinh”, thầy Bằng cho hay.
Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang) cũng tiến hành kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh từ 3 - 4 lần. Với năm nay, điểm mới là sử dụng sổ sách điện tử, cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh cho biết, nhà trường đã cho rà soát lại toàn bộ thông tin liên quan đến hồ sơ của học sinh trên phần mềm; yêu cầu giáo viên chủ nhiệm in ấn và phát đến từng học sinh để kiểm tra, tránh sai sót khi đăng ký dự thi. Vì là trường thuộc khu vực 1 miền núi, hầu hết học sinh được hưởng chế độ ưu tiên nên ít có sai sót nội dung này; chủ yếu học sinh khai sai tên đệm, nơi sinh…
Liên quan đến nội dung này, theo thầy Trần Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ), điểm mấu chốt là thí sinh sử dụng căn cước công dân/chứng minh nhân dân để đăng ký dự thi nên thông tin cá nhân có thể được cập nhật tự động bảo đảm chính xác; việc đăng ký xét tuyển đại học được tiến hành sau khi có kết thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp tránh sai sót và tiết kiệm hơn cho thí sinh.
Thí sinh phải xác định từ đầu về việc có dùng kết quả thi để xét đại học hay không vì khâu này thực hiện trước thi. Thí sinh cũng cần nghiên cứu các tổ hợp của các trường đại học có ứng với ngành học của mình không, địa điểm học sau trúng tuyển, tránh nhầm ngành và khu vực theo học.