Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đừng theo 'hot trend'!

12/07/2023, 13:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những ngành học liên quan đến công nghệ 4.0 đang là xu hướng lựa chọn của nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

Lấy ví dụ từ thực tế, PGS.TS Trần Trọng Nguyên cho hay, nhiều thí sinh lựa chọn ngành học theo phong trào hoặc số đông và cho rằng ngành đó đang “hot”, là xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Song các em chưa hiểu biết và yêu thích ngành đó. Sau một thời gian học tập, nhiều em thấy không phù hợp và mất đi động lực học tập. “Điều quan trọng các em cần biết bản thân mình thích ngành gì, năng lực có phù hợp hay không?” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên tư vấn, đồng thời khuyến cáo, thí sinh có thể vào website cơ sở giáo dục đại học để tìm hiểu thông tin… từ đó có được lựa chọn phù hợp nhất.

Trong bối cảnh công nghệ, trí tuệ nhân tạo, robot… ngày càng phát triển thì con người càng cần đến trái tim nhân văn. Từ quan điểm này, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, mối quan hệ giữa con người với giá trị nhân văn trong xã hội hiện đại cần được củng cố và quan tâm, nghiên cứu kỹ hơn… bởi con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội.

“Thời gian qua, lĩnh vực KHXH&NV đã có nhiều biến đổi, bám sát với sự phát triển của đất nước. Vậy nên, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện để phục vụ nhu cầu của công chúng và thị trường lao động. Nhiều ngành luôn có điểm trúng tuyển ở tốp cao. Ví dụ, ngành Báo chí, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học điểm chuẩn lên tới 29,9; 29,95 điểm” - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương viện dẫn.

Những ngành truyền thống đang tự vận động, thay đổi, không hàn lâm như 20 năm trước. Xét một cách tổng thể, khối ngành KHXH&NV đóng góp nhiều cho phát triển bền vững của đất nước, chẳng hạn như các vấn đề về đạo đức, tư tưởng, chính trị, lịch sử, văn hóa... “Đó là những trụ cột để chúng ta phát triển xã hội bền vững” - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nhìn nhận.

Cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực nào cũng thiếu, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam hiện còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những lĩnh vực liên quan đến công nghệ 4.0 rất cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng cần quan tâm tới đào tạo những ngành nghề liên quan tới vật liệu mới, công nghệ sinh học, khoa học sự sống. Đây là những ngành ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại.

“Lĩnh vực xã hội nhân văn, đào tạo giáo viên, bác sĩ, văn hóa nghệ thuật… cũng không thể lơ là hay bỏ qua” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nêu ý kiến, đồng thời nhấn mạnh cần sự chung tay của các bộ, ngành để có được dự báo tương đối chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực trong ngắn, trung và dài hạn. Từ đó, có kế hoạch đào tạo và phát triển những điều kiện đảm bảo chất lượng phù hợp nhất, bắt kịp, đáp ứng được nhu cầu phát triển chung.

Với các cơ sở đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhìn nhận, các trường đang có kế hoạch, chiến lược và hành động đúng đắn đáp ứng nhu cầu xã hội. Mỗi ngành nghề mới mở ra đều gắn với yêu cầu và dựa trên nghiên cứu thị trường lao động. Trong mảng đào tạo, chúng ta phải có tính tiên phong, dự báo và đi trước để vừa hỗ trợ nhưng đôi khi cần định hướng. Với tốc độ phát triển khoa học công nghệ, nếu chúng ta không là những trung tâm tri thức, sáng tạo ra tri thức mới thì khó có thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp như vũ bão hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội - nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, công nghệ không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dang-ky-nguyen-vong-xet-tuyen-dung-theo-hot-trend-post646415.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dang-ky-nguyen-vong-xet-tuyen-dung-theo-hot-trend-post646415.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đừng theo 'hot trend'!