Đằng sau bạo lực học đường đôi khi là sự thiếu hiểu biết của phụ huynh: Cha mẹ làm gì khi con bị bắt nạt?

Chi Chi, | 29/03/2024, 22:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong cuộc chiến chống lại bạo lực học đường, vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng.

Phân tích hợp lý và phản hồi hợp lý

Tìm hiểu và phân tích lại mâu thuẫn giữa con với bạn không phải là phán xét ai đúng ai sai mà quan trọng là để các em học cách tự bảo vệ mình và cách tránh những sự việc tương tự trong tương lai. Lúc này, cha mẹ cũng không nên một mực bênh con. Chúng ta cần phân tích hợp lý nguyên nhân xảy ra sự việc với con mình và đưa ra giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề.

Với vai trò phụ huynh, là người định hướng, cha mẹ nên bình tĩnh để đưa những phán đoán và kết luận chính xác nhất thay vì chỉ nghe tin một chiều dẫn đến cảm xúc bộc phát. Khi phát hiện con có mâu thuẫn với bạn, cha mẹ cần là người phân xử công minh, bảo vệ con nhưng dựa trên lý lẽ hợp lý, tuyệt đối không được dung túng hay tiếp tay cho các hành vi bạo lực khác.

Bên cạnh đó cũng nên khuyến khích trẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động câu lạc bộ của trường, kết bạn tích cực hơn và tăng cường kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân.

Cảm ơn con vì dám nói sự thật

Nếu con cái dám kể cho bạn rằng mình bị bắt nạt ở trường, hãy khen ngợi rằng con đã rất can đảm để nói ra điều đó. Lòng dũng cảm là một sự khẳng định quan trọng để vượt qua nỗi sợ hãi, bối rối và nghi ngờ bản thân. Đồng thời, đây cũng là lời khẳng định với con rằng khi con nói ra thì người lớn mới có cơ hội giúp đỡ con.

Đằng sau bạo lực học đường đôi khi là sự thiếu hiểu biết của phụ huynh: Cha mẹ làm gì khi con bị bắt nạt? - Ảnh 3.

Nếu con bạn bị bắt nạt trong khuôn viên trường, phụ huynh phải lựa chọn cách giao tiếp kịp thời và đưa ra biện pháp bảo vệ hiệu quả, nếu trẻ gây thương tích ở nhiều mức độ khác nhau thì cần có sự đánh giá kịp thời, sử dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của con bạn.

Nếu cha mẹ và con cái đã cố gắng hết sức mà vẫn không giải quyết được vấn đề "bắt nạt học đường" thì cha mẹ nên chuẩn bị kịp thời cho việc chuyển trường để con thoát khỏi những tổn hại, xúc phạm không đáng có và lấy lại được sự tự tin của mình ở môi trường mới.

Khi bị người khác bắt nạt, hầu hết trẻ em vốn ở vị trí yếu thế sẽ rất khủng hoảng và tiếp tục để người khác bắt nạt mà không dám phản kháng. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên dạy con bình tĩnh, dũng cảm và biết cách kịp thời bảo vệ mình và đừng bao giờ để người khác lợi dụng mình. Bằng cách này, kẻ bắt nạt sẽ cảm thấy trẻ không dễ bắt nạt và họ có thể rút lui.

Tất nhiên, với tư cách là cha mẹ, chúng ta không chỉ nên giáo dục con cái mình có học thức, hiểu biết, không tự ý mâu thuẫn với bạn bè mà còn phải làm bạn đồng hành chất lượng của con. Nếu phụ huynh có thể lắng nghe những bối rối, nỗi đau của chúng thì những vết thương do bạo lực học đường gây ra có thể được chữa lành nhanh chóng hơn rất nhiều.

Vai trò của từng đối tượng trong việc giảm và chấm dứt nạn bạo lực học đường?

Đối với cấp quản lý như Bộ giáo dục và nhà trường cần thường xuyên đánh giá và sàng lọc vấn đề tâm lý của trẻ để nhận định những yếu tố nguy cơ của bạo lực trong trường học. Ngoài ra, tiếp tục gia tăng thêm các buổi học kỹ năng sống, chương trình dự phòng khủng hoảng tâm lý và mở rộng phòng tham vấn học đường tại trường học các cấp.

Đối với phụ huynh, gia đình cần thường xuyên nói chuyện trao đổi và lắng nghe trẻ hàng tuần, sự biến đổi tâm lý của trẻ trong tuổi dậy thì sẽ lên xuống không theo quy luật nào cả, hôm nay con có thể vui vẻ nhưng ngày mai có một sự kiện xung đột thì tâm lý trẻ sẽ có những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn. Phụ huynh cần tạo ra cho con môi trường gia đình an toàn, lành mạnh để trẻ luôn có cảm giác mình có điểm tựa tinh thần là bố mẹ, những trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường mà để lại hậu quả nặng nề thường có một mối quan hệ lỏng lẻo với gia đình vậy nên phụ huynh cũng cần có trách nhiệm trong việc kết nối và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần cho trẻ.

Đối với học sinh, bất kỳ một bạn học sinh nào cũng có nguy cơ bị bạo lực học đường. Đặc biệt với các bạn có những sự khác biệt với các bạn chẳng hạn như học quá giỏi hoặc học quá kém, cảm xúc và hành vi hơi khác thường, ngoại hình quá gầy hoặc quá mập, da mặt đen hoặc nhiều mụn… Vậy nên các bạn trẻ cần xây dựng cho mình một sức khỏe tinh thần tốt, tin tưởng vào điểm mạnh của bản thân, có kỹ năng xử lý tình huống tốt và xây dựng được một mạng lưới đồng minh cho bản thân như bạn bè, thầy cô, bố mẹ… để các em luôn được bảo vệ trong các tình huống bạo lực leo thang.

- Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh - Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare

Theo Phụ nữ số
https://phunuso.baophunuthudo.vn/dang-sau-bao-luc-hoc-duong-doi-khi-la-su-thieu-hieu-biet-cua-phu-huynh-cha-me-lam-gi-khi-con-bi-bat-nat-193240327151648607.htm
Copy Link
https://phunuso.baophunuthudo.vn/dang-sau-bao-luc-hoc-duong-doi-khi-la-su-thieu-hieu-biet-cua-phu-huynh-cha-me-lam-gi-khi-con-bi-bat-nat-193240327151648607.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau bạo lực học đường đôi khi là sự thiếu hiểu biết của phụ huynh: Cha mẹ làm gì khi con bị bắt nạt?