Ít nhất 2 tay súng trong nhóm người gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Cộng hòa Dagestan (thuộc Nga) tin theo chủ nghĩa Wahhabi (tức chủ nghĩa toàn thống Hồi giáo).
2 tay súng trong nhóm khủng bố ở Dagestan hôm 23/6 (ảnh: RT)
Danh tính nghi phạm: Bất ngờ về hai con của một quan chức
Hôm 23/6, 6 tay súng đã tấn công một nhà thờ Chính thống giáo, một giáo đường Do thái và một đồn cảnh sát giao thông ở Dagestan. Vụ việc khiến 20 người thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương.
Trong nhà thờ Chính thống giáo, người ta phát hiện linh mục Nikolay Kotelnikov, 66 tuổi, bị cắt cổ.
Danh tính nhóm khủng bố dần được hé lộ và 3 trong số này có liên quan đến Magomed Omarov – quận trưởng quận Sergokalinsky, Cộng hòa Dagestan.
Theo TASS, cựu võ sĩ võ tổng hợp Gadzhimurad Kagirov – em họ của ông Omarov – là một trong 6 tay súng tham gia khủng bố ở Dagestan.
2 người con trai của ông Omarov – Adil Omarov (37 tuổi) và Osman Omarov (31 tuổi) – cũng thuộc nhóm tấn công khủng bố.
Hỏa hoạn tại một giáo đường Do Thái ở Dagestan (ảnh: RT)
Hôm 24/6, lãnh đạo Cộng hòa Dagestan, ông Sergey Melikov, nói với báo giới rằng ông Magomed Omarov đã bị cách chức.
Cùng ngày, chi nhánh đảng Nước Nga Thống nhất ở quận Sergokalinsky cũng tuyên bố khai trừ ông Omarov.
Theo TASS, cảnh sát đã đột kích nhà của ông Omarov vào tối hôm 23/6 và đưa ông này đi thẩm vấn. Omarov nói rằng, từ nhiều năm trước, ông đã biết các con mình tin theo chủ nghĩa Wahhabi.
Theo Baza, kênh tin tức về Nga trên nền tảng Telegram, ông Omarov có 8 con trai.
Trong nhiều năm qua, ông Omarov được cho là biết rõ việc một số người con và cháu mình tin theo chủ nghĩa Wahhabi và có cảm tình với tổ chức khủng bố al-Qaeda, nhưng không ngăn cản và báo cho chính quyền địa phương.
Osman Omarov – người được cho là cực đoan nhất trong số 8 con trai của ông Omarov – từ lâu đã cắt đứt liên lạc với gia đình.
Tại cơ quan điều tra, ông Omarov khẳng định bản thân không phải người tin theo chủ nghĩa Wahhabi.
Wahhabi – cốt lõi tư tưởng của nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan (ảnh: CNN)
Chủ nghĩa Wahhabi liên quan thế nào đến al-Qaeda, IS?
Theo Khamenei (báo Iran), nguồn gốc của chủ nghĩa Wahhabi được cho là bắt nguồn từ bán đảo Ả Rập vào thế kỷ 18, do Muhammad ibn Abd al-Wahab (1703 – 1791), một giáo sĩ Hồi giáo, truyền bá.
Ai là người sáng lập chủ nghĩa Wahhabi còn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng nhiều tài liệu cho rằng đó là một giáo sĩ tên Ibn Taymiyya (1263 – 1328). Ông bị triều đình Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ và chết trong ngục tù tại thành Damascus.
Những người theo chủ nghĩa Wahhabi cho rằng, đạo Hồi, từ sau thế kỷ thứ 3 theo lịch Hồi giáo (khoảng năm 960 trở đi) đã phát triển một cách “lệch lạc” và cần được “thanh lọc”.
Theo chủ nghĩa Wahhabi, thánh Allah là vị chúa trời, là đấng sáng tạo duy nhất mà con người phải trực tiếp thờ phụng mà không cần qua phương tiện trung gian nào, ví dụ như như tượng, hình ảnh…
Sự “phô trương” trong các nghi lễ thờ phụng thánh Allah và “lối sống xa hoa” là tội lỗi lớn của tín đồ Hồi giáo. Theo chủ nghĩa Wahhabi, các thánh đường Hồi giáo phải thiết kế đơn giản, không trang trí, không xây tháp. Tín đồ Hồi giáo phải ăn mặc giản dị, thực hành nghiêm khắc các điều răn, không được phép sống “xa hoa, lãng phí”. Phụ nữ theo đạo Hồi phải che mặt khi ra đường và phục tùng nam giới.
Qua thời gian, chủ nghĩa Wahhabi ngày càng trở nên hà khắc và cực đoan. Một số người theo chủ nghĩa Wahhabi thậm chí coi tín đồ Hồi giáo thuộc dòng khác là “dị giáo” và cần bị thanh trừng. Đối với những người theo tôn giáo khác, chủ nghĩa Wahhabi cho rằng có thể tàn sát hoặc bắt họ làm nô lệ.
Theo Khamenei, Wahhabi là cốt lõi tư tưởng của nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan như al Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Taliban.
Ở Afghanistan (do Taliban kiểm soát), chủ nghĩa Wahhabi phát triển mạnh. Phụ nữ ở Afghanistan bị đối xử hà khắc, không được học hành. Người dân phải sống kham khổ, nghèo đói để tránh “xa hoa, lãng phí”. Tự do tín ngưỡng bị nghiêm cấm. Những người không theo đạo Hồi có thể bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Ông Ramzan Kadyrov – lãnh đạo Chechnya – ra sức phản đối Wahhabi (ảnh: Reuters)
Chủ nghĩa Wahhabi len lỏi vàovùng bắc Kavkaz
Ở Nga, cụ thể là Cộng hòa Chechnya (nơi đa số người dân theo đạo Hồi), chủ nghĩa Wahhabi manh nha xuất hiện, theo Moscow Times.
Tháng 9/2009, ông Ismail Bostanov – Phó Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Karachayevo Circassia và Stavropol – bị bắn chết tại thị trấn Cherkessk (Cộng hòa Karachayevo-Circassia, thuộc Nga). Ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Chechnya, cáo buộc các tay súng theo chủ nghĩa Wahhabi là thủ phạm.
“Những gì xảy ra hôm nay, một lần nữa đã minh chứng rằng, toàn thể cộng đồng Hồi giáo phải đoàn kết lại để chống chủ nghĩa Wahhabi cực đoan. Nếu chúng ta muốn đánh đuổi những kẻ tàn bạo này, chúng ta cần phải cứng rắn hơn”, ông Kadyrov nói.
Tháng 1/2028, ông Kadyrov một lần nữa chỉ trích chủ nghĩa Wahhabi mang tính “hủy diệt và chống Hồi giáo”. Ông Kadyrov kêu gọi chính phủ Nga thực hiện các hành động quyết liệt để loại bỏ Wahhabi khỏi nước Nga.
“Thỏa hiệp không bao giờ mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp. Chúng tôi luôn giữ quan điểm rằng, Wahhabi không được phép ngóc đầu dậy ở bất kỳ khu vực nào thuộc nước Nga”, ông Kadyrov nói.
Ông Kadyrov cũng cho rằng, Wahhabi là nền tảng tư tưởng của tổ chức khủng bố IS hoạt động ở Afghanistan và al-Qaeda ở Iraq và Syria.
Năm 2016, ông Salah Mezhiev – chức sắc Hồi giáo ở Chechnya – đã kêu gọi chính phủ Nga liệt chủ nghĩa Wahhabi vào danh sách “giáo phái cực đoan” nhằm ngăn chặn tư tưởng này lan rộng.
“Chủ nghĩa Wahhabi nên bị coi là một giáo phái cực đoan và bị cấm ở cấp chính phủ”, ông Mezhiev nói.
Cùng năm 2016, Tổng thống Syria Bashar Assad cho rằng, chủ nghĩa khủng bố hiện đại bắt nguồn từ tư tưởng Wahhabi cực đoan.
“Nếu thế giới muốn giải quyết vấn đề chủ nghĩa khủng bố, chúng ta cần phải phá hủy nguồn gốc, cốt tủy của nó, đó là tư tưởng Wahabi”, ông Assad nói.
Nga hiện duy trì quân đội ở Syria để giúp quốc gia này chống lại các nhóm khủng bố, đặc biệt là tàn dư tổ chức IS.
Ngày 22/3/2024, một nhóm tay súng xông vào khu phức hợp Crocus City ở ngoại Moscow (Nga) và xả súng, đốt phá. Vụ khủng bố khiến 45 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương.
ISIS-K – chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Afghanistan – đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ khủng bố.
Phát biểu sau vụ việc, Tổng thống Nga Putin cho rằng, các thế lực “Hồi giáo cực đoan” đứng sau vụ khủng bố ở Crocus City, nhưng cũng ám chỉ rằng Ukraine có liên quan.
Ông Putin cũng nói thêm rằng, Nga là một “ví dụ” về đất nước có sự hòa hợp và thống nhất giữa các tôn giáo. Vì vậy, Nga không nên trở thành mục tiêu của những phần tử Hồi giáo cực đoan.
Lực lượng an ninh Nga tiêu diệt nhóm khủng bố ở Dagestan (ảnh: RT)
Hôm 24/6, sau vụ khủng bố ở Dagestan, IS đã đăng thông điệp ca ngợi “những người người anh em Kavkaz” trên trên nền tảng al-Azaim, kênh truyền thông chính thức của nhóm. Tuy nhiên, IS không nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Vùng bắc Kavkaz (thuộc Nga) bao gồm nhiều nước cộng hòa cấu thành, trong đó có Chechnya, Dagestan và Kalmykia – 3 khu vực có nhiều người theo đạo Hồi sinh sống.