Đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi phù hợp với chuẩn

Hà An | 26/02/2023, 09:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thử nghiệm đánh giá theo Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi tại một số trường mầm non của tỉnh Lào Cai đã cho thấy giá trị tích cực.

Tập huấn trực tiếp

Nhóm chuyên gia của Bộ GD&ĐT đến thí điểm tại Trường Mầm non Bình Minh, TP Lào Cai, nhà trường bố trí 1 lớp rộng, chia thành 2 phòng riêng biệt cho 10 đánh giá viên thực hiện nhiệm vụ. Phòng ngoài rộng hơn có 6 bàn cho 6 đánh giá viên, phòng trong hẹp hơn có 4 bàn. Chuyên gia trung ương đã hướng dẫn cho các đánh giá viên địa phương về cách thức chuẩn bị đồ dùng để đo chuẩn, cách thức sử dụng sổ tay và đánh giá kết quả đo.

Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sự hỗ trợ từ Ban giám hiệu và cán bộ giáo viên Trường Mầm non Bình Minh, các đánh giá viên cấp địa phương tại Lào Cai đã cơ bản nắm được: Cách thức chuẩn bị bộ công cụ để đo chuẩn: Số lượng bộ đồ dùng của từng bài tập, chỉ số; cách sắp xếp các bộ công cụ sao cho khoa học, hợp lý. Cách thức sử dụng sổ tay và phiếu ghi kết quả của 6 lĩnh vực.

Trưởng nhóm chuyên gia, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, chuyên viên Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, cho biết: Tại phòng đánh giá, chuyên gia đã hướng dẫn cho toàn bộ đánh giá viên về cách thức thực hiện các bài tập của 6 lĩnh vực bằng cách mời một đánh giá viên tiến hành đánh giá 1 cháu không thuộc danh sách chính thức, với mục đích giúp các đánh giá viên thành thạo các bài tập, cũng như kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi phù hợp với chuẩn  ảnh 1

Trẻ tự tin thực hiện các bài tập theo hướng dẫn của đánh giá viên và các cô giáo.

Trong quá trình 1 đánh giá viên thực hiện mẫu, những người còn lại quan sát và cùng chấm điểm, nhờ đó mà giúp họ thống nhất được cách đánh giá cho điểm như thế nào để đúng với các tiêu chí chấm điểm trong sổ tay hướng dẫn. Kết thúc buổi đánh giá mẫu, chuyên gia trung ương giải đáp ngay các thắc mắc của các đánh giá viên địa phương, cũng như chính xác hóa lại các câu hỏi cần hỏi của từng bài tập, từng chỉ số.

Thấy gì từ thực tế

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Huyền, quá trình tập huấn, nhận thấy: Về phía đánh giá viên, nhìn chung đã nắm được các bước; hiểu hầu hết nhiệm vụ bài tập, và nghiêm túc, trách nhiệm trong thực hiện các bài tập đánh giá. Tuy nhiên, vẫn còn việc hiểu nhầm và học bài thuộc phần đánh giá của lĩnh vực thể chất, trong khi họ được phân công đánh giá ở phòng 6 lĩnh vực. Có đánh giá viên này chưa thuộc bài, nên quá trình đánh giá bị kéo dài, họ cũng bị lúng túng hơn khi tương tác với trẻ.

Một số đánh giá viên tự ý thay đổi câu hỏi hoặc thêm câu yêu cầu, hoặc hướng dẫn trẻ như là đang dạy trẻ nội dung đó; hoặc bỏ sót nội dung đánh giá trong bài tập. Có đánh giá viên còn thể hiện cảm xúc khi trẻ làm được hoặc không làm được, hoặc có nhận xét khen ngợi như: Con giỏi quá/đúng rồi… Một số đánh giá viên chưa thành thạo trong việc sắp xếp các đồ dùng cho các bài tập. Đôi khi, đánh giá viên cũng quên không kịp thời ghi kết quả đánh giá vào phiếu ghi điểm.

Đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi phù hợp với chuẩn  ảnh 2
Chuyên gia trung ương đã hướng dẫn cho toàn bộ đánh giá viên về cách thức thực hiện các bài tập đánh giá của 6 lĩnh vực.

Các cán bộ giám sát trung ương đã kịp thời nhắc nhở điều chỉnh những lỗi mà các đánh giá viên địa phương gặp phải. Sau khi được tập huấn, đánh giá viên các lĩnh vực có sự thay đổi cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ để chuẩn bị cho ngày thử nghiệm bộ công cụ chính thức như: Về kiến thức, hiểu rõ hơn các nội dung trong Sổ tay hướng dẫn, cách ghi chép, đổ thông tin giữa các loại phiếu, nhận diện được một số tình huống có thể xảy ra khi đánh giá và cách xử lý, đánh giá phù hợp.

Về kỹ năng: Thành thạo kỹ năng chuẩn bị, set up đồ dùng, nguyên vật liệu và giấy tờ cần thiết trước khi đánh giá; tương đối thành thạo kỹ năng viết phiếu, ghi kết quả đánh giá; thực hiện đủ, đúng quy trình liên hoàn chuỗi các bước tiến hành trong quy trình đánh giá của mỗi bài tập, giữa các bài tập; kỹ năng phối hợp giáo viên của trường để điều phối trẻ giữa các phòng đánh giá. Về thái độ: Tự tin và chủ động hơn; nỗ lực cố gắng tập luyện để chuẩn bị cho quá trình thử nghiệm đánh giá kế tiếp.

Lào Cai là một trong những địa phương được các chuyên gia Trung ương về thí điểm thực hiện Thử nghiệm đánh giá sự phát triển của trẻ theo Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Đảm bảo tính đa dạng vùng miền khi triển khai thử nghiệm, các chuyên gia tiến hành tại các trường mầm non ở các địa bàn TP Lào Cai, huyện Bảo Thắng. Các hoạt động đánh giá cũng được thực hiện ở các nhóm trẻ người Kinh và người dân tộc thiểu số, để đảm bảo tính phù hợp với yêu cầu chung - Chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Huyền

Bài liên quan
Thưởng tiền cho sinh viên nam đăng ký học ngành Giáo dục mầm non
"Tin vui là trong hơn 300 thí sinh đăng ký theo học ngành Giáo dục mầm non, đã có một thí sinh nam", ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi phù hợp với chuẩn