'Danh hiệu chui' nhìn từ việc vinh danh 'nhà thơ thế giới'

Trần Hoà | 28/12/2022, 09:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc tồn tại quá nhiều 'danh hiệu chui' cho thấy tính háo danh và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý văn học nghệ thuật.

Vì sự kiện tổ chức tại TP Hạ Long nên ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh giao thanh tra sở xác minh.

Theo đó, sự kiện được tổ chức vào ngày 22/12, nhưng đến ngày 26/12 đơn vị mới nhận được phản ánh về việc tổ chức sự kiện của Công ty Hằng Holy Group với các chuỗi hoạt động nói trên.

Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra hồ sơ tổ chức sự kiện của Công ty CP Hằng Holy Group. Dù có văn bản xin phép và đề nghị phối hợp tổ chức chương trình.

Căn cứ các ý kiến tham gia, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Công ty CP Hằng Holy Group cung cấp đầy đủ hồ sơ để thẩm định các hoạt động đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, công ty này tự triển khai tổ chức sự kiện khi chưa có văn bản hướng dẫn và sự chấp thuận đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 27/12, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh cho biết tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh để xử lý theo quy định đối với Công ty CP Hằng Holy Group.

Trước sự kiện vinh danh “nhà thơ thế giới”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, đó là “sự mạo phạm cũng như nhạo báng thi ca và văn hoá”. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, người được vinh danh đáng trách một thì đơn vị tổ chức đáng trách mười.

Đạo diễn Ngô Hương Giang lại đề cập đến đến thói háo danh, bất chấp nhận cả “danh hiệu chui”. Theo ông Giang, người làm thơ hoàn toàn có quyền thành lập các câu lạc bộ tự phát, nhưng không được tổ chức các cuộc thi nhằm tôn vinh hay trao giải cho ai đó nếu chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng.

Ông Giang cũng cho rằng, “danh hiệu chui” đã tồn tại khá lâu. Điều đó phản ánh sự lỏng lẻo trong công tác quản lý văn học nghệ thuật, khiến giá trị của sản phẩm văn học nghệ thuật nói riêng và văn hoá nói chung bị suy giảm.

Đáng lo ngại, “danh hiệu chui” không chỉ tồn tại trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Thời gian gần đây, hàng loạt cuộc thi sắc đẹp với đủ mọi danh hiệu được tổ chức. Hoa hậu, á hậu, hoa khôi… từ lứa tuổi nhí cho đến trung niên nở rộ như nấm sau mưa. Và hầu hết các danh hiệu lẫn cuộc thi, không ai rõ được tổ chức thế nào.

Để khắc phục thói háo danh, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn thì việc đầu tiên cần làm là phát huy những đức tính tốt đẹp của người Việt, tạo môi trường tích cực để phát triển văn hóa. Đồng thời, lên án những thói hư tật xấu háo danh, đánh giá thành công của mỗi cá nhân bằng năng lực, trí tuệ. Thêm vào đó, cần thể chế hóa, quy định cụ thể.

“Hệ lụy của thói háo danh vô cùng nguy hiểm. Khi danh hiệu không tương xứng với thực tế sẽ để lại hậu quả khôn lường. Nếu đặt những người không đúng trình độ vào vị trí không thuộc về họ, sẽ không thực hiện được nhiệm vụ, chức trách và làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung, nói rộng ra là toàn xã hội. Mặt khác, họ làm cho những người có năng lực cảm thấy chán nản, tiêu cực, mất ý chí phấn đấu. Từ hệ lụy này sẽ dẫn dắt đến nhiều hệ lụy khác”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Bài liên quan
Nhà thơ thế giới Tống Thu Ngân gây xôn xao dư luận
Tống Thu Ngân - người được gắn cho một loạt danh xưng cồng kềnh như ‘Nhà thơ thế giới’, ‘Đại sứ quyền năng tâm tài đức’… đang gây xôn xao dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Danh hiệu chui' nhìn từ việc vinh danh 'nhà thơ thế giới'