Với nghiệp vụ coi thi, như các đồng nghiệp, thầy Hoàng Văn Nhu cũng nhấn mạnh cần thực hiện tốt quy chế thi, thực hiện đúng công việc khi bắt thăm và ngồi đúng vị trí được phân công. Bên cạnh đó, cán bộ coi thi cần cởi mở, thân thiện, tạo tâm lý tốt cho học sinh phát huy hết thế mạnh của mình khi làm bài để đạt kết quả tốt nhất.
Cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2021.Ảnh: Nguyễn Nhung |
Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay quy định học sinh không còn được mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, ngày càng nhiều thiết bị tinh vi, khó phát hiện được sử dụng với mục đích gian lận thi cử. Đây cũng là vấn đề hầu hết các cán bộ coi thi lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ.
Trước thực tế này, theo thầy Ngô Đức Sơn, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình), ngay từ buổi làm thủ tục dự thi, cán bộ coi thi cần tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí răn đe để thí sinh nhận thức rõ các hành vi bị cấm và hình thức xử lý kỷ luật nếu vi phạm quy chế; đặc biệt nhấn mạnh việc để lọt, lộ đề, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ coi thi không được chủ quan, lơ là, quan sát kỹ toàn bộ bề mặt của các vật dụng để xác định dấu hiệu bất thường; đồng thời, quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của thí sinh. Vì áp lực tâm lý, thí sinh sử dụng thiết bị gian lận sẽ luôn thụ động... từ đó phát sinh biểu hiện khác thường như lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên.
Với kinh nghiệm nhiều năm coi thi, thầy Nhu cho rằng, cán bộ coi thi cần thường xuyên tìm hiểu về các loại phương tiện gian lận thi cử qua nhiều kênh để biết và từ đó phát hiện trong quá trình làm nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc quy chế thi, quy định về khoảng cách phòng để đồ thí sinh, những vật dụng thí sinh được và không được mang vào phòng thi.
Chính vì các thiết bị ngày càng tinh vi, có thể cán bộ coi thi không thể phát hiện khi thí sinh mang theo, vì thế cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi trông thi, quan sát thái độ, hành vi thí sinh để phát hiện gian lận (lẩm bẩm đọc, đọc to phát ra tiếng khi đã phát đề thi, không tập trung làm bài, lén lút quan sát, mắt hay đảo, liếc nhìn cán bộ coi thi...).
Cùng quan điểm, cô Đinh Thị Thu Hằng cũng lưu ý, để phát hiện học sinh gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, điều quan trọng là quan sát những biểu hiện bất thường như quần áo mặc không gọn gàng, mắt hay để ý vào đồng hồ, máy tính, kính đeo... Tương tự, cô Lê Vân cũng cho biết thường quan sát thái độ của học sinh, sắc mặt, cử chỉ... là có thể biết có ý đồ hoặc đang thực hiện hành vi gian lận…
Cán bộ coi thi cần thực hiện nguyên tắc “4 đúng”, “3 không” như lưu ý của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Theo đó, “4 đúng” gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời xử lí tình huống, sự cố bất thường). “3 không” gồm: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường; không căng cứng, áp lực thái quá”. - Thầy Ngô Đức Sơn - Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình)