Giáo dục

Đào tạo 1 triệu sinh viên ngành STEM: Từ chính sách đến hành động

15/04/2025 10:53

Hiện nay, trong lựa chọn môn học khi vào THPT, cũng như thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ môn Khoa học xã hội luôn áp đảo.

Điều này khiến nhiều người lo lắng liệu chúng ta có đạt được mục tiêu đào tạo 1 triệu sinh viên ngành STEM vào năm 2030. Để đạt mục tiêu trên cần giải pháp gì từ chính sách đến chuyển động của mỗi giáo viên, nhà trường?

Học sinh chưa mặn mà với STEM

STEM đóng vai trò thiết yếu trong việc giải quyết những thách thức có tính toàn cầu, như biến đổi khí hậu, bệnh tật, nghèo đói và thiếu hụt nguồn lực... Nắm vững kiến thức và kỹ năng STEM giúp học sinh có cơ hội chọn được nghề nghiệp tốt hơn, đồng thời thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế cho đất nước.

Nhấn mạnh điều này, nhưng PGS.TS Phạm Đức Quang - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng nhận định, hiện học sinh Việt Nam chưa mặn mà với STEM và chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến điều này.

Trước hết, nguyên nhân sâu xa do Việt Nam là nước nông nghiệp, người dân quen với tập quán sản xuất theo thời vụ, chưa quen với sản xuất kiểu công nghiệp, nhất là lao động, sản xuất theo lối tự động hóa. Văn hóa lúa nước ăn sâu, tâm lý ngại thay đổi khiến việc chọn môn học, chọn nghề của học sinh tương đối hình thức, chưa thực sự chọn môn học, chọn nghề theo sở trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp cận với STEM chưa lâu (khoảng từ 2012) và những cơ sở sản xuất (hay doanh nghiệp, nhà máy…) có sử dụng nguồn nhân lực từ STEM không nhiều. Người dân chưa thấy được những ngành nghề STEM trong đời sống (có thu nhập tốt), dẫn đến chưa hiểu; từ đó, thờ ơ với STEM. Hệ quả tất yếu là con em họ khó nhận thấy tầm quan trọng, ý nghĩa của việc đầu tư học sâu theo lĩnh vực này. Vì thế, kiến thức không phải là thế mạnh, dẫn đến ít khả năng chọn thi những môn học liên quan đến STEM.

Chương trình GDPT 2018 bước đầu đề cập đến STEM, nhưng chưa chính thức có trong chương trình (chưa coi STEM như môn học chính thức, mà chỉ lồng ghép). Do đó, đa số học sinh phổ thông chưa được học, hiểu sâu về STEM (trừ các em có cơ hội tham gia câu lạc bộ STEM, ngoại khóa về STEM…).

Việc dạy học tích hợp, liên môn ở Việt Nam, cho đến nay vẫn mới mẻ. Vì thế, nhiều giáo viên chưa thực sự làm chủ được việc dạy tích hợp. Trong khi đó, STEM đòi hỏi phải biết tích hợp liên môn. Do đó, về cơ bản học sinh phổ thông ít có cơ hội tiếp cận và hiểu, dẫn đến khó có thể ham thích STEM ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.

Muốn hiểu về STEM và theo học được lĩnh vực này đòi hỏi học sinh phải học tốt Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Kỹ thuật, có kiến thức tương đối toàn diện về lĩnh vực này. Đây là điều không dễ với đa số học sinh. Do đó, việc chọn theo hướng STEM không nhiều là dễ hiểu ở nước ta.

dao-tao-1-trieu-sinh-vien-nganh-stem-2.jpg
Giờ học tại Trường THPT huyện Điện Biên. Ảnh: NTCC

Chuyển động của giáo viên, nhà trường

Những năm gần đây, học sinh THPT có xu hướng thiên về lựa chọn các môn học tự chọn, môn thi tốt nghiệp THPT thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. TS Nguyễn Minh Giám - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho rằng: Trường THPT là nơi trực tiếp định hình nhận thức, sở thích và định hướng tương lai học tập, nghề nghiệp cho học sinh. Khi các em ưu tiên chọn các môn Khoa học xã hội, có thể thấy một số nguyên nhân liên quan đến cách tổ chức giáo dục tại trường học:

Thứ nhất, phương pháp giảng dạy chưa tạo động lực. Các môn tự nhiên đòi hỏi tư duy logic, khả năng tính toán và thực hành; nhưng cách dạy ở nhiều trường còn nặng lý thuyết, thiếu thực hành thực tế hay minh họa sinh động. Trong khi đó, các môn Khoa học xã hội thường được trình bày gần gũi, dễ học, tập trung vào việc ghi nhớ và học thuộc, phù hợp với năng lực của đa số học sinh. Sự khác biệt này khiến các môn Khoa học tự nhiên trở nên “khó nhằn” với các em.

Thứ hai, thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Nhiều trường chưa chú trọng giới thiệu tiềm năng các ngành nghề liên quan đến khoa học tự nhiên, đặc biệt lĩnh vực STEM - xu hướng quan trọng của thời đại 4.0. Học sinh chưa nhận thức đầy đủ về cơ hội việc làm, tầm quan trọng của các môn học thuộc khoa tự nhiên, dẫn đến xu hướng lựa chọn an toàn là các môn Khoa học xã hội.

Thứ ba, vẫn có tâm lý chỉ cần tốt nghiệp THPT rồi tính tiếp nên học sinh thường có xu hướng chọn các môn Khoa học xã hội vì tin dễ đạt điểm cao hơn.

Như vậy, nhà trường không chỉ có trách nhiệm truyền đạt kiến thức, mà còn phải tạo môi trường học tập hấp dẫn, định hướng phù hợp và trang bị kỹ năng để học sinh tự tin lựa chọn các môn học đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chia sẻ giải pháp điều chỉnh từ phía nhà trường, TS Nguyễn Minh Giám nhấn mạnh trước tiên đến việc tổ chức các chương trình tư vấn chuyên sâu, không chỉ dừng lại ở giới thiệu môn học, mà còn kết nối với triển vọng nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh.

Các buổi hội thảo với sự tham gia của chuyên gia, doanh nhân, hoặc cựu học sinh thành công trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên có thể giúp học sinh nhận ra giá trị thực tiễn các môn tự nhiên. Đồng thời, cần cá nhân hóa tư vấn dựa trên năng lực, sở thích, mục tiêu từng em, tránh định hướng chung chung khiến các em chọn môn theo cảm tính hoặc áp lực điểm số.

Để tăng sức hút cho các môn Khoa học tự nhiên, nhà trường cần đầu tư đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên dạy các môn này; áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại như STEM, học qua dự án, hoặc sử dụng công nghệ thực tế ảo, mô phỏng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo vào dạy học.

Nhà trường có thể điều chỉnh cách tổ chức môn học tự chọn thông qua yêu cầu học sinh trải nghiệm cả môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội trong năm đầu cấp THPT trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng; giúp học sinh tiếp cận đa dạng kiến thức, tránh thiên lệch sớm và tình trạng chọn khoa học xã hội chỉ vì cảm giác “dễ ghi điểm” hơn.

Nhà trường cũng nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa để khơi dậy đam mê khoa học tự nhiên. Những chuyến tham quan thực tế đến viện nghiên cứu, công ty kinh doanh, phòng thí nghiệm cũng là cách hiệu quả để học sinh thấy được ứng dụng thực tiễn của kiến thức khoa học tự nhiên. Việc khen thưởng, công nhận thành tích trong các hoạt động này sẽ tạo động lực cho học sinh lựa chọn cân bằng thay vì chỉ tập trung vào khoa học xã hội.

Giải pháp quan trọng khác là nhà trường cần phối hợp với phụ huynh để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cả hai lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Các buổi họp phụ huynh có thể lồng ghép phần chia sẻ về xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu nhân lực, giúp phụ huynh định hướng con em một cách khách quan.

Đồng thời, kết nối với tổ chức, doanh nghiệp tạo cơ hội thực tập ngắn hạn hoặc trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt trong các ngành liên quan đến khoa học tự nhiên, sẽ khuyến khích các em cân nhắc lựa chọn đa dạng hơn.

“Những giải pháp trên không chỉ giúp nhà trường giảm bớt xu hướng thiên lệch về các môn Khoa học xã hội, mà còn tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.

Điều quan trọng là nhà trường cần thực hiện đồng bộ, kiên trì, thường xuyên để điều chỉnh phù hợp với thực tế, luôn tạo ra sự cân bằng giữa các môn học. Qua đó, học sinh sẽ có cơ hội khám phá tiềm năng bản thân ở hai lĩnh vực, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai”, TS Nguyễn Minh Giám chia sẻ.

Khẳng định tầm quan trọng của sự thay đổi, chuyển động từ chính giáo viên, nhà trường, thầy Trần Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) nhấn mạnh trước hết đến đổi mới tư duy và phương pháp giảng dạy.

Giáo viên chủ động tìm hiểu, học hỏi phương pháp giảng dạy STEM tiên tiến, ứng dụng vào thực tế giảng dạy; tích cực đổi mới bài giảng, thiết kế các hoạt động học tập sáng tạo, hấp dẫn, gắn liền với thực tiễn cuộc sống; tạo môi trường học tập thân thiện, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, khám phá, sáng tạo.

Thầy cô cũng cần tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về STEM; tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức, kỹ năng; chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ đồng nghiệp; tâm huyết, trách nhiệm hơn trong công việc để truyền cảm hứng, đam mê khoa học cho học sinh.

Với nhà trường, thầy Trần Huy Hoàng cho rằng, cần tham mưu xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng thực hành hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy - học STEM; thành lập câu lạc bộ STEM, tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến STEM; tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức khoa học để học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế.

dao-tao-1-trieu-sinh-vien-nganh-stem-5-8106.jpg
Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) báo cáo sản phẩm nghiên cứu. Ảnh: NTCC

Cần giải pháp đồng bộ

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là xu hướng nhiều người học lựa chọn học, thi môn Khoa học xã hội, thầy Trần Huy Hoàng cho rằng, để đạt mục tiêu nhân lực STEM cần những giải pháp đồng bộ.

Về chính sách, trước hết cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện đại cho các trường phổ thông, đại học, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, phòng thực hành STEM. Ưu đãi về học phí, học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên theo học các ngành STEM, đặc biệt các ngành mũi nhọn, có nhu cầu nhân lực cao.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục STEM thông qua các hình thức tài trợ, hợp tác đào tạo, cung cấp học bổng sau đó xem xét tuyển dụng. Cùng với đó, đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên giỏi về các trường có định hướng STEM. Cũng cần thay đổi nhận thức và định hướng nghề nghiệp. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của STEM đối với sự phát triển của đất nước…

PGS.TS Phạm Đức Quang thì đưa ra các giải pháp (theo thứ tự từ quan trọng nhiều đến ít quan trọng hơn) như dưới đây với lưu ý, các giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ.

Thứ nhất, Việt Nam cần có chính sách để hình thành, phát triển những cơ sở sản xuất (doanh nghiệp hay nhà máy…) có sử dụng nguồn nhân lực, được đào tạo theo hướng STEM và thu nhập ổn định cho người lao động. Từ kế hoạch tuyển dụng lao động, đơn vị này đặt hàng ngành Giáo dục, lập chương trình và đào tạo sao cho đủ. Như thế, người học theo hướng STEM sau khi ra trường sẽ có việc làm, ổn định thu nhập. Đó được xem là yếu tố thu hút giới trẻ chọn STEM là ngành học, tất yếu sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ chọn học theo STEM ở nước ta.

Tiếp đến, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích học STEM, như: Cơ sở sản xuất (doanh nghiệp, nhà máy…) cấp học bổng cho người học theo hướng STEM nếu cam kết sau khi học, ra trường sẽ về làm việc cho đơn vị mình… Cùng đó, khuyến khích hợp tác quốc tế trong đào tạo STEM, cho phép liên kết đào tạo, thậm chí cho phép người học được sang nước bạn học và thực hành một số nghề theo hướng STEM. Tăng cường truyền thông về STEM, sao cho người dân và học sinh, sinh viên thấy được học theo STEM có cơ hội việc làm, với thu nhập tốt…

Về dạy học và đào tạo, theo PGS.TS Phạm Đức Quang, cần tăng cường dạy học tích hợp liên môn, đào tạo giáo viên có thể dạy tích hợp liên môn (trong đó có giáo dục STEM); trường phổ thông có phòng thực hành STEM.

Cơ sở giáo dục đại học có điều kiện đào tạo sinh viên học ngành STEM cần có chương trình bài bản, theo hướng ứng dụng, sao cho sau khi ra trường các em có thể làm việc ở cơ sở sản xuất (đòi hỏi trình độ STEM) và có thu nhập ổn định. Có thể bố trí những học phần trải nghiệm nghề, cho sinh viên xuống cơ sở sản xuất để thực hành nghề, có lương như người lao động ở đơn vị đó. Cuối cùng, cần đổi mới giáo dục hướng nghiệp về STEM bài bản, sát thực hơn, để học sinh hiểu và yêu thích STEM.

Ngành học nào cũng cần người giỏi, có đam mê. Văn học, báo chí, lịch sử, địa lý, kinh tế, tâm lý, pháp luật... quan trọng không kém các môn học STEM. Quan trọng là học sinh cần chọn môn học, ngành nghề mình đam mê, yêu thích, theo đuổi, để rồi thực sự trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Muốn như vậy, công tác hướng nghiệp phải được làm tốt, thiết thực hơn. Nhà trường, giáo viên cần cập nhật hiểu biết về các ngành nghề để tư vấn, định hướng, khuyến khích cho học sinh. Cũng cần làm nhẹ nhàng hơn việc tuyển sinh vào lớp 10, giúp việc học ở THCS đều hơn, không chỉ tập trung vào luyện một vài môn cho kỳ thi này. - Ông Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-1-trieu-sinh-vien-nganh-stem-tu-chinh-sach-den-hanh-dong-post727007.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-1-trieu-sinh-vien-nganh-stem-tu-chinh-sach-den-hanh-dong-post727007.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo 1 triệu sinh viên ngành STEM: Từ chính sách đến hành động